Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng kể, ý tưởng sưu tầm bộ sưu tập này xuất phát trong một lần khá tình cờ, khi ông được một người thầy giáo làng ở Thừa Thiên - Huế tặng cho một cây bút lá tre và một lọ mực.
Cứ mỗi lần đến lớp, ông luôn nỗ lực học tập, rèn luyện từng nét chữ, cây bút gắn liền với tuổi thơ nên ông gìn giữ rất cẩn thận. Chính cây bút này đã mang lại cho ông rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về những người thầy giáo, người bạn tri kỷ và những người thân ở chốn quê nhà.
Hiện nay, ông đã sưu tập được khoảng 2.500 cây bút các loại của trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng lưu ý có các cây bút nổi tiếng đến từ Nga, Hồng Kông, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Malaysia… Trên các cây bút này đều ghi rất cụ thể tên địa danh, nhà hàng, khách sạn, công ty, nhà thuốc, hãng thuốc, các khu du lịch... mà ông từng đặt chân đến.
Bộ sưu tập bút được ông phân chia ra thành nhiều bộ khác nhau, từ hình dáng, kích cỡ, cho đến màu sắc. Có những bộ khổng lồ, cây bút to bằng bắp tay, dài hơn 0,5m, có cây bút có độ tuổi nhiều nhất trên 75 tuổi. Bên cạnh những cây bút khổng lồ là những cây bút “tí hon” có in hình các con vật, trái cây…
Ông Xáng bộc bạch, cây bút là một phương tiện thể hiện nét văn hóa chữ viết, ngôn ngữ, dùng để thay lời nói, thể hiện tâm tư, tình cảm của mỗi người. Ông luôn sưu tầm những cây bút độc lạ, rất đặc biệt mà trên thị trường hiện nay rất hiếm.
Ông vẫn đang ấp ủ, đầu tư mua sắm tủ, mở rộng thêm một góc không gian để đón chào những cây bút quý từ các nơi về bộ sưu tập của mình. Ông lý giải, chơi những loại này không những phục vụ cho bản thân, mà còn tạo cơ hội, chào đón những người có cùng đam mê đến chiêm ngưỡng, thưởng thức.