Tôm hùm, cá bóp chết hàng loạt, người nuôi chớp mắt mất tiền tỉ

Thứ ba - 06/11/2018 02:17
Vùng biển bắc vịnh Vân Phong được coi là “thủ phủ” nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là cá bớp, tôm hùm.
Nhiều ngày qua, người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng biển bắc vịnh Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) như “ngồi trên đống lửa” bởi tôm hùm, cá bớp chết hàng loạt. Trắng tay, nợ nần là viễn cảnh đang diễn ra trước mắt các hộ nuôi trồng thủy sản nơi đây.

Thiệt hại chồng thiệt hại

Vùng biển bắc vịnh Vân Phong được coi là “thủ phủ” nuôi trồng thủy hải sản của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là cá bớp, tôm hùm. Nơi đây với điều kiện khí hậu lý tưởng, nước biển sâu gần bờ, có nhiều đảo... nên việc nuôi trồng thủy hải sản có nhiều lợi thế.

Trước đó, vào mùa đông năm ngoái, chính người dân vùng này đã mất trắng toàn bộ lồng bè, tài sản trên biển do một cơn bão mạnh đổ bộ.

Tuy nhiên, sau khi họ gắng gượng vực dậy tiếp tục nuôi trồng thủy hải sản thì lại khoảng nửa tháng trở lại đây gặp tình trạng tôm hùm, cá bớp chết hàng loạt, khiến cuộc sống thêm khó khăn.

Hơn 10 năm nuôi tôm hùm, ông Trương Văn Việt (có lồng nuôi tại thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) chưa từng chứng kiến cảnh tôm hùm chết liên tục như hiện nay. Gần 11.000 con tôm hùm gia đình ông thả nuôi đạt trọng lượng từ 1 - 1,6kg/con bây giờ chỉ còn chưa đầy 50%.

Hiện nay, giá tôm trên thị trường khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg, nhưng do tôm chết nên thương lái chỉ mua từ 200.000 - 400.000 đồng/kg, tùy chất lượng.

Ông Việt nhẩm tính, với lượng tôm hùm chết liên tục trong thời gian qua, gia đình ông thiệt hại gần 5 tỷ đồng.

“Cơn bão số 12 đổ bộ vào đây hồi cuối năm 2017 khiến tôm hùm mất sạch, gia đình tôi thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Sau đó, nghĩ chỉ có đầu tư nuôi lại mới gỡ gạc được những gì đã mất, nên gia đình tôi đã dùng số vốn tích cóp nhiều năm qua, cùng với số tiền vay ngân hàng để tái đầu tư.

Nhưng nào ngờ chỉ mới thả nuôi chưa được 1 năm thì tôm lại mắc bệnh, chết gần hết. Bây giờ, gia đình gần như trắng tay rồi”, ông Việt buồn bã cho biết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ 3.200 lồng nuôi của 400 hộ nuôi tôm hùm lồng ở xã Vạn Thạnh đều chung cảnh ngộ. Những người đầu tư càng lớn thì thiệt hại càng cao.

Theo các hộ dân, tôm hùm chết không rõ nguyên nhân. Tình trạng chung là tôm bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục; một số khác thì bị đen ở phần mang khiến tôm chết.

Người nuôi liên tục làm vệ sinh, bơm thêm ô xi và cho tôm ăn thuốc nhưng tôm vẫn chết. Không chỉ riêng tôm hùm mà cá bớp thả nuôi trong lồng bè ở vùng biển bắc vịnh Vân Phong cũng lâm vào tình trạng bất ổn.

Tại xã Vạn Thạnh, tình trạng cá bớp chết xảy ra từ hôm 24/10 với khoảng 10.000 con bị chết, khiến người dân điêu đứng. Cá bớp chết đã được nuôi từ 3 - 5 tháng, đạt từ 0,5 - 3,5kg/con. Khi thấy cá bớp chết, người dân lo lắng đã vội vàng thu hoạch bán hàng loạt. Tuy nhiên, do có hiện tượng này nên giá cá bớp cũng bị ép giá, khiến người dân thất thu nặng.

Cụ thể, cá bớp chết được mua 80.000 đồng/kg, còn cá sống được mua 110.000 đồng/kg. Trong khi trước đó, giá cá bớp trên thị trường đạt 160.000 - 180.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Văn Toàn (có lồng nuôi tại thôn Đầm Môn), gia đình ông thả nuôi 300 con cá bớp.

Thấy cá sinh trưởng khá tốt, ông thầm tin sẽ thu được lãi, không ngờ chỉ trong buổi sáng 24/10 đã có gần 250 con cá lâm vào tình trạng lờ đờ, đuối sức.

“Nhận định cá thiếu ô xi nên tôi mang bình khí ô xi đưa ra lồng bè vận hành nhưng không giải cứu được. Do vậy, tôi đành phải bán cho thương lái với giá rẻ, chấp nhận thua lỗ hơn 30 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền công chăm sóc”, ông Toàn cho biết.

Đi tìm nguyên nhân

Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, hiện toàn huyện có khoảng 9.800 ô lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu ở các địa phương như xã Vạn Thạnh, xã Vạn Hưng, thị trấn Vạn Giã...

Tỷ lệ hao hụt do các loại bệnh trong quá trình nuôi tôm hùm thời gian qua khá cao. Qua khảo sát, bệnh sữa trên tôm hùm xuất hiện quanh năm, gây thiệt hại khoảng 15 - 20%.

Nguyên nhân do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức ăn cho tôm không đảm bảo, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan. Không chỉ tôm hùm mà cá bớp tại huyện này cũng bị thiệt hại do mật độ thả nuôi quá dày cùng với việc thiếu ô xi trong nước cho cá thở.

Theo tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản lồng, bè, số lượng cá thương phẩm đạt phải là 100 con/lồng, trong khi đó người nuôi lại nuôi gấp đôi với khoảng 200 con/lồng.

Liên quan đến việc tôm hùm, cá bóp chết hàng loạt, UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện đang thống kê lại số liệu thiệt hại, báo cáo lên cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi.

Trước thực tế trên, Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, đặt tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) khuyến cáo, hiện nay hàm lượng ô xi hòa tan trong nước thấp, mật độ vi khuẩn Vibrio cao, người nuôi cần thường xuyên vệ sinh lồng nuôi nhằm tăng cường trao đổi nước, tránh để hàu, hà, rong rêu bám làm bịt lỗ lưới.

San thưa mật độ nuôi, giãn cách lồng nuôi và không đặt lồng nuôi quá gần bờ. Đối với việc quản lý môi trường vùng nuôi, cần thả nuôi tôm hùm, cá bóp với mật độ hợp lý; quản lý và điều chỉnh lượng thức ăn, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường vùng nuôi, nhất là ô nhiễm lớp trầm tích dưới đáy lồng gây ảnh hưởng đến tôm, cá nuôi.

Đối với phòng và trị bệnh, người nuôi cần tăng cường quản lý tốt môi trường vùng nuôi; bổ sung các chế phẩm sinh học, vitamin và khoáng chất vào thức ăn cho tôm hùm, cá bóp. Ngoài ra, người nuôi cần tăng cường theo dõi sức khỏe tôm, cá; thường xuyên lặn kiểm tra, kịp thời phát hiện, tách những cá thể yếu ra khỏi đàn để điều trị kịp thời, tránh lây lan…

Ngành chức năng cũng khuyến cáo, các địa phương và người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng biển vịnh Vân Phong cần chú ý theo dõi hiện tượng tảo nở hoa. Bởi đây là thời điểm xuất phát nhiều loại dịch bệnh và có thể là bùng phát các loài vi tảo trên khu vực vịnh Vân Phong.

Tác giả bài viết: Thắng Mỹ
Nguồn tin: www.phapluatplus.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp