Phát biểu tại hội nghị, Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của TANDTC, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Khánh Hòa, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Khánh Hòa và tại 6 TAND cấp huyện, thị xã, thành phố, bao gồm: TAND TP Nha Trang, TAND thị xã Cam Ranh, TAND huyện Ninh Hòa, TAND huyện Cam Lâm, TAND huyện Diên Khánh và TAND huyện Vạn Ninh đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động.
Hòa giải, đối thoại là phương thức giải quyết hiệu quả các tranh chấp, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, nhà nước và toàn xã hội; hạn chế tranh chấp khiếu kiện phức tạp kéo dài, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án.
Kết quả hoà giải, đối thoại còn góp phần hàn gắn rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đặc biệt, hòa giải, đối thoại dựa trên nền tảng công tác dân vận là một giải pháp hiệu quả, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh việc dân vận rất quan trọng “Dân vận kém thì việc gì cũng kém, Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Để đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính, ngày 1/10/2018, TANDTC đã ban hành Kế hoạch số 301/KH-TANDTC về việc triển khai thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại một số TAND, trong đó có TAND tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 7 đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết, trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại, các Hòa giải viên, Đối thoại viên là những người trung lập, khách quan để hỗ trợ các bên thỏa thuận, đối thoại để giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Những lời khai của người tham gia hòa giải, đối thoại không được sử dụng làm chứng cứ trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật; trường hợp các bên yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, đối thoại thành thì quyết định này có hiệu lực thi hành như bản án, quyết định của Tòa án. Chi phí, bồi dưỡng cho Hòa giải viên, Đối thoại viên do Tòa án chi trả, các bên không phải chi trả cho Hòa giải viên, Đối thoại viên bất cứ khoản thù lao nào.
Việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 7 đơn vị thuộc TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa là bước chuyển mình rất lớn trong việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại Tòa án, góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, nhà nước và toàn xã hội. Đồng thời, giảm tải cho công tác xét xử của Tòa án trong bối cảnh số lượng biên chế của Tòa án còn hạn chế, trong khi số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du bày tỏ sự vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Khánh Hòa trong thời gian vừa qua. Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết: Trong những năm vừa qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tiếp tục có xu hướng tăng mạnh; thẩm quyền của tòa án được mở rộng làm cho số lượng các vụ án mà tòa án phải thụ lý, tăng hơn nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp. Trong khi đó, số lượng biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu so với cơ cấu tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ, thẩm quyền của các tòa án.
Nhận thức được tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và nghiên cứu đề xuất những giải pháp mới nâng cao hiệu quả của công tác này trong bối cảnh hiện nay, TANDTC đã báo cáo và được Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương giao nghiên cứu xây dựng đề án đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, trong đó cho phép TANDTC tổ chức thí điểm thành lập trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND hai cấp của thành phố Hải Phòng.
Việc triển khai thí điểm 6 tháng tại Hải Phòng đã thu được kết quả rất khả quan, tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành là 76,2%. Kết quả thí điểm cho thấy, việc thành lập trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án tạo ra một cơ chế mới hữu hiệu giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện, cơ bản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; hoạt động của các trung tâm đã góp phần giảm tải hoạt động của tòa án , giúp hàn gắn những rạn nứt giữa các đương sự, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân và doanh nghiệp, tác động tích cực đến việc ổn định các quan hệ xã hội tại địa phương.
Ngày 15/9/2018, Ban cán sự đảng TANDTC đã báo cáo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về đề án. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đồng ý với nội dung cơ bản của đề án. Trên cơ sở thành công bước đầu của thí điểm tại Hải Phòng, giao cho TANDTC tiếp tục triển khai thí điểm tại Hải Phòng và mở rộng thí điểm tại một số tỉnh, thành phố đảm bảo tính đại diện vùng miền, nông thôn, đô thị.
Thực hiện kết luận, TANDTC đã nghiên cứu, quyết định lựa chọn 15 tỉnh, thành phố để cùng với Hải Phòng thực hiện thí điểm, trong đó có tỉnh Khánh Hòa, bởi Khánh Hòa là 1 trong những tỉnh có hoạt động kinh tế phát triển, sôi động, tranh chấp dân sự, yêu cầu ly hôn, khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều và phức tạp dẫn đến số lượng vụ việc mà TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng.
Cùng với đó, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại của tỉnh Khánh Hòa và các Sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, ủng hộ, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân, tích cực hưởng ứng, ưu tiên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, khiếu kiện thông qua hòa giải, đối thoại; đồng thời, hỗ trợ kinh phí và cơ sở vật chất cho các trung tâm hòa giải, đối thoại, góp phần bảo đảm sự thành công của hoạt động thí điểm trong thời gian tới.
Yêu cầu TAND hai cấp tỉnh Khánh Hòa tiếp tục quán triệt chủ trương của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và của lãnh đạo TANDTC; chủ động tích cực và sâu sát trong việc bảo đảm hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại; kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc hoặc kiến nghị TANDTC hướng dẫn nếu cần thiết.
Đề nghị các hòa giải viên, đối thoại viên tích cực nghiên cứu, áp dụng những kỹ năng, quy trình hòa giải, đối thoại đã được tập huấn, đồng thời vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm và uy tín của mình để tiến hành hòa giải, đối thoại đạt hiệu quả. Đồng thời, trong quá trình hòa giải, đối thoại phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn của TANDTC và Ban Chỉ đạo thí điểm, tuân thủ quy chế hoạt động của trung tâm hòa giải, đối thoại.