Nghề đúc đồng trầm lắng

Thứ tư - 16/01/2019 00:14
Tuy đang là thời gian cao điểm của vụ hàng Tết nhưng không khí làm việc tại làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh) khá trầm lắng. Nhiều hộ đúc đồng không có hàng giao cho khách vì thời tiết mưa nhiều trong thời gian qua. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Tuy đang là thời gian cao điểm của vụ hàng Tết nhưng không khí làm việc tại làng nghề đúc đồng Phú Lộc Tây, thị trấn Diên Khánh (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) khá trầm lắng. Nhiều hộ đúc đồng không có hàng giao cho khách vì thời tiết mưa nhiều trong thời gian qua.


Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Đức - người đổ khuôn đồng lâu năm với số lượng nhiều ở tổ 1 Phú Lộc Tây (thị trấn Diên Khánh) vào ngày đầu tháng Chạp. Trong khi khuôn đồng đang chất đầy các góc nhà thì ông Đức vẫn nằm thảnh thơi xem tivi. Chia sẻ về vụ hàng Tết, ông Đức cho biết: “Gần 2 tháng nay, tôi chưa thổi được mẻ đồng nào. Thời tiết cứ mưa suốt như thế này nếu đổ đồng sẽ bị hư hoặc hao hụt lớn, đồng không trong, chất lượng không đẹp”.

 

Xưởng gia công đồ đồng của ông Biện Ngọc Truyền chỉ làm 50% công suất do không có hàng.

Xưởng gia công đồ đồng của ông Biện Ngọc Truyền chỉ làm 50% công suất do không có hàng.


Thời điểm này năm trước, ông Đức và thợ đã phải thắp đèn làm đêm, lò luôn đỏ lửa để kịp giao hàng cho khách. Nhưng năm nay, do trời mưa không thể đổ khuôn nên thợ của ông Đức phải kiếm việc khác để làm. Ông Đức còn chỉ cho chúng tôi ụ khuôn đồng với gần 100 bộ đã hoàn tất, sắp xếp ngay ngắn ngoài sân nhưng phải phủ ni lông vì mưa liên tục những ngày qua. Cạnh đó, 2 lò nấu đồng cũng đã xong nhưng chưa thể đỏ lửa. “Tôi dự định sẽ thổi mẻ đồng ngoài kia sớm để kịp làm tiếp một đợt nữa trước khi nghỉ Tết. Nhưng với tình hình thời tiết như thế này thì chắc chỉ kịp làm 1 mẻ, vì từ ngoài 20 tháng Chạp, các bạn hàng không còn lấy hàng nữa. Bao nhiêu vốn đã đưa đi lấy đồng hết, đến nay chưa thể đổ khuôn, chưa thu lại được vốn nên không biết lấy tiền đâu mua sắm Tết”, ông Đức nói. 

 
Không riêng gia đình ông Đức mà các hộ làm công đoạn đổ khuôn cũng chung tình cảnh này. Theo những người có kinh nghiệm trong nghề đúc đồng, mỗi mẻ đổ khuôn (nấu đồng, nấu khuôn và thổi đồng) mất khoảng 24 giờ. Nếu gặp trời mưa, khi đổ đồng xuống sẽ gặp không khí lạnh, bốc hơi nước làm đồng không trong, bị lủng lỗ, hao hụt đồng đến 20%, chất lượng mẻ đồng thấp. Trong khi đó, phần lớn các hộ đổ khuôn đồng không có mặt bằng sản xuất, chủ yếu tận dụng đường làng, sân vườn để nấu đồng nên khó sản xuất khi trời mưa.


Thợ không đổ khuôn được nên thợ gia công cũng không có hàng để làm. Những năm trước vào mùa Tết, xưởng của ông Biện Ngọc Truyền luôn có 4 - 5 thợ làm cả ngày và tăng thêm ca đêm mới đủ hàng cung cấp cho khách. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều nên năm nay không có hàng để làm, thợ chỉ làm được 50% công suất. Ông Truyền cho biết, vụ hàng Tết năm nào cũng có 80 - 100 bộ chân đèn thờ trong kho. Vậy mà năm nay chỉ có khoảng 10 bộ. Do đó, ông không dám nhận nhiều đơn hàng mà làm được đến đâu giao cho khách đến đó. Trong khi đó, để giữ chân thợ, ông Truyền vẫn phải trả lương cho thợ dù số lượng sản phẩm làm ra không được nhiều. Vì vậy, chi phí sản xuất đội lên cao hơn.  


Ông Nguyễn Văn Nhường - Giám đốc Hợp tác xã Đúc Phú Lộc cho biết, có khoảng 40 hộ đang làm nghề đúc đồng, tập trung tại tổ dân phố Phú Lộc Tây, trong đó có 18 hộ là thành viên của hợp tác xã. Năm nay, do thời tiết không thuận lợi nên không khí làng nghề trong vụ Tết không nhộn nhịp như các năm trước. Nhu cầu hàng Tết rất lớn, mối hàng ở các tỉnh trong khu vực như: Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk liên tục đặt hàng nhưng không có hàng để giao. Năm nay, tuy giá nguyên liệu không tăng nhưng do chi phí sản xuất tăng nên hiện nay, giá các bộ chân đèn thờ đã tăng khoảng 10% so với năm trước. Cụ thể: bộ chân đèn thờ đại tăng từ 3,7 triệu đồng lên 4,1 triệu đồng; bộ trung tăng từ 2,6 triệu đồng lên 3 triệu đồng… “Người dân làng nghề đang trông mong mấy ngày tới thời tiết nắng ráo để kịp đổ vài mẻ đồng vớt vát vụ Tết. Tuy nhiên, trời phải nắng ráo vài ngày để đất không còn ẩm thì mới đổ khuôn được. Nếu trong ngày có vài cơn mưa cũng khó mà sản xuất”, ông Nhường nói.


MAI HOÀNG

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp