Vì sao Hải Phát Invest chi hơn 483 tỷ mua chóng vánh HP Hospitality Nha Trang?

Thứ ba - 31/07/2018 01:52
HP Hospitality Nha Trang thành lập từ tháng 2.2017 và đến tháng 10.2017, Hải Phát Invest do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch HĐQT nắm 75% vốn điều lệ. Điều đáng nói, Hải Phát Invest mua lại HP Hospitality Nha Trang từ Sông Đà Thăng Long (STL) với giá trị lên tới 483,2 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn thực góp của công ty này.

CTCP Đầu tư Hải Phát (mã chứng khoán HPX) do ông Đỗ Quý Hải làm Chủ tịch HĐQT vừa niêm yết 150 triệu cổ phiếu trên HoSE với giá 26.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mã chứng khoán bất động sản thứ 59 lên sàn. Điểm đáng lưu ý về Hải Phát Invest trong bản cáo bạch và báo cáo tài chính năm 2017, báo cáo tài chính quý I.2018 là thương vụ nhận chuyển nhượng lại 75% vốn góp của HP Hospitality Nha Trang, đơn vị sở hữu Dự án TM1 Cồn Tân Lập Nha Trang, từ Sông Đà Thăng Long với giá 483,2 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn thực góp của công ty này.

Thương vụ “khủng” mua chóng vánh

Trong năm 2017, một phần vốn lớn của Hải Phát Invest đã được sử dụng để mua lại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang. Cụ thể, Hải Phát Invest đã mua lại 75% vốn điều lệ của HP Hospitality Nha Trang (tương đương 169,5 tỷ đồng) với trị giá 483,2 tỷ đồng theo Hợp đồng số 17/2017/HĐCN ngày 28.9.2017.

Chênh lệch giữa giá trị khoản đầu tư 483,2 tỷ đồng và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của HP Hospitality Nha Trang tại ngày mua lên tới 404 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2017 của Hải Phát Invest: “Vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang thực góp đến thời điểm 31.12.2017 là 79,2 tỷ đồng, là phần đã góp của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, do đó vốn thực tế Công ty CP Đầu tư Hải Phát chiếm 100%, còn trên đăng ký kinh doanh là 75%”.

Báo cáo tài chính năm 2017 cũng cho biết HP Hospitality Nha Trang đã tăng vốn điều lệ lên 226 tỷ đồng, trong đó Hải Phát Invest nắm giữ 169 tỷ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính năm 2017 ghi nhận khoản nợ phải trả của Hải Phát Invest cho Sông Đà – Thăng Long 118,4 tỷ đồng. Số tiền này là thực hiện trả hợp đồng chuyển nhượng 75% vốn điều lệ công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.

Cũng theo báo cáo tài chính năm 2017, HP Hospitality Nha Trang được thành lập vào 28.2.2017, cách thời điểm Hải Phát Invest mua lại 7 tháng. Hai cổ đông sáng lập là Công ty CP Sông Đà Nha Trang đăng ký đóng góp 135,6 tỷ đồng (60%) và Công ty CP Sông Đà Thăng Long (STL) đăng ký 90,4 tỷ đồng (40%).

Đến ngày 27.9.2017, HP Hospitality Nha Trang đã thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ nhất, theo đó Sông Đà Nha Trang chỉ còn nắm giữ 25% và Sông Đà Thăng Long đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 75% để nắm quyền chi phối. Và chỉ sau 2 ngày, Hải Phát Invest đã nhận chuyển nhượng lại 75% vốn góp của HP Hospitality Nha Trang từ Sông Đà Thăng Long với giá 483,2 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn thực góp của công ty này.
 

bctc hai phat2 1533006493 width1024height768

Câu hỏi đặt ra, tại sao Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải lại chi khoản tiền gấp 6 lần vốn thực để mua công ty vừa mới thành lập được 7 tháng? Sông Đà Nha Trang đã nhận được bao nhiêu khi bán 35% vốn góp của HP Hospitality Nha Trang cho Sông Đà Thăng Long? HP Hospitality Nha Trang có gì để Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải chi ra số tiền lớn đến như vậy và làm thế nào để sở hữu 75% vốn của công ty này?

Dấu hỏi quanh mối quan hệ giữa Hải Phát Invest và STL

Theo thông tin đăng ký, tại thời điểm thành lập, người đại diện theo pháp luật và kiêm Chủ tịch HĐTV của HP Hospitality Nha Trang là ông Phạm Minh Tuấn, hiện đang là thành viên HĐQT của Hải Phát Invest. Ông Tuấn đầu quân vào Hải Phát Invest từ 2009 đến nay.

Ngoài việc là chủ tịch HĐQT HP Hospitality Nha Trang, ông Phạm Minh Tuấn còn là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Địa ốc Châu Sơn, một công ty con của Hải Phát Invest, có vốn điều lệ 645,2 tỷ đồng. Ông Tuấn cũng là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH phát triển địa ốc Hải Phong, một công ty của Hải Phát Invest với tỷ lệ góp vốn cổ phần 10%.
 

bctc hai phat1 1533006519 width1024height768

Ngoài ra, ông Đoàn Hòa Thuận, hiện giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty CP Đầu tư Hải Phát, đã nhiều năm công tác tại các công ty con của Tổng công ty Sông Đà, trong đó có cả Sông Đà Thăng Long. Hải Phát Invest cũng đã nhận chuyển nhượng Dự án HPC Landmark 105 (CT2 - 105 Usilk City) tại Khu đô thị Văn Khê mới từ Sông Đà Thăng Long.

Sông Đà Thăng Long được thành lập từ cuối năm 2006 từ một chi nhánh của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Sông Đà do ông Nguyễn Trí Dũng làm chủ tịch HĐQT.  Cổ phiếu STL đình đám một thời đã bị huỷ niêm yết năm 2013 do thua lỗ liên tiếp và đến năm 2016 bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa toàn bộ 15 triệu cổ phiếu STL vào diện bị hạn chế giao dịch trên UPCoM. Nguyên nhân được HNX đưa ra là vốn chủ sở hữu trên báo cáo kiểm toán năm 2015 của công ty đã bị âm tới 2.206 tỷ đồng.

Điều đáng nói, những thương vụ Hải Phát Invest mua của STL đều đang có “vấn đề”. Ví như  dự  án tổ hợp Usilk City với tổng mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng đang “đắp chiếu” với khoản nợ 4.000 tỷ đồng đã huy động từ khách hàng. Việc khiếu kiện đến nay vẫn chưa kết thúc và đến thời điểm Hải Phát Invest mua lại Tòa CT2-105 kết luận thanh tra vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố. Được biết, Hải Phát Invest chi 1.510 tỷ đồng cho dự án này.

Một dự án nữa của STL là dự án khu đô thị mới Cồn Tân Lập do HP Hospitality Nha Trang sở hữu và cũng được Hải Phát Invest mua chóng vánh chỉ trong 2 ngày với giá trị gấp 6 lần vốn góp của công ty này.

Báo cáo tài chính quý I.2018 của Hải Phát Invest cũng ghi nhận bắt đầu đổ tiền vào dự án khu đô thị mới Cồn Tân Lập với số tiền khá khiêm tốn, 4,9 tỷ. Tuy vậy, Hải Phát Invest đánh giá thương vụ mua HP Hospitality Nha Trang có lợi thế thương mại 383,8 tỷ đồng.

Với những tình tiết như vậy, câu hỏi đặt ra có hay không một mối quan hệ giữa Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải và Sông Đà Thăng Long do ông Nguyễn Trí Dũng làm Chủ tịch HĐQT?
 

tang von hai phat 1533006552 width634height381

Cần phải nói thêm, báo cáo tài chính quý I.2018 của Hải Phát Invest ghi nhận vay và nợ thuê dài hạn tăng lên 1.890 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn là 1.700 tỷ đồng. Điều đáng nói, tổng vay nợ này chủ yếu là vốn vay ngân hàng với lãi suất thoả thuận là chính. Tổng vay nợ này cao hơn vốn điều lệ vừa được tăng cấp tập trong năm 2017 là 1.500 tỷ đồng.
 

co cau co dong hai phat 1533006569 width627height386

Theo bản cáo bạch, ông Đỗ Quý Hải nắm 60 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 40,03% và bà Chu Thị Lương, người cùng nhà của ông Hải nắm 12 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 8% vốn điều lệ. Ngoài ra, còn một cổ đông lớn khác là VietNam Enterprise Investments Limited với quy mô sở hữu 13 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 8,73% vốn điều lệ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngân
Nguồn tin: danviet.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp