Những căn hầm bí mật

Chủ nhật - 29/07/2018 21:00
Trở lại thăm những căn hầm bí mật trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà, được nghe người dân kể về chuyện đào hầm che giấu cán bộ cách mạng năm xưa, chúng tôi càng hiểu hơn về lòng dũng cảm, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng, tình yêu nước của nhân dân.

Tại nhà bà Nguyễn Thị Mực (87 tuổi, tổ dân phố số 7, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), chúng tôi được bà đưa đi xem căn hầm bí mật mà vợ chồng bà đã đào ở dưới gầm giường trong gian phòng ngủ. Cách đây khoảng 10 năm, gia đình bà Mực xây, sửa lại căn nhà, căn hầm cũng được tân trang lại. Căn hầm được đào theo hình chữ L, miệng rộng khoảng 40cm2, sâu hơn 1m. Trong lòng hầm có thể che giấu được 3 người.
 

images5338495 IMG 8690

Căn hầm bí mật trong nhà bà Nguyễn Thị Mực.

Bà Mực kể, căn hầm này được vợ chồng bà đào vào khoảng năm 1954. Ngày đó, hàng đêm, sau khi cho con ngủ, vợ chồng bà mới đào hầm bằng chiếc xẻng nhỏ. Mỗi đêm chỉ đào được 2 thúng đất rồi đem ra đổ dưới gốc bụi tre, dùng lá tre khô phủ lên nhằm che giấu để địch không phát hiện, sau gần 3 tháng đào ròng rã mới hoàn thành. Căn hầm là nơi ở cho những cán bộ từ trên núi xuống tuyên truyền cách mạng, nắm tình hình quân địch, chờ thời cơ chiến đấu tiêu diệt địch. Bà Mực tự hào: “Trong căn hầm này, gia đình tôi đã từng nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng như: Tám Nhiên (Đặng Nhiên), anh Chín (Đinh Hòa Khánh), Mười Thiệt, Năm Nhỏ… Nhiều đồng chí phải ở dưới hầm gần cả tháng trời”.


Cũng chính vì nuôi giấu cán bộ nên vợ chồng bà nhiều lần bị tra khảo và bắt ép chống lại cách mạng. Nhưng với lòng yêu nước, tin tưởng vào cách mạng, gia đình bà không lùi bước, vẫn tiếp tục nuôi giấu cán bộ cho đến ngày giải phóng.


 Trong gian nhà bếp của ông Trần Châu (94 tuổi, thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) cũng có một căn hầm bí mật mà gia đình và người dân nơi đây đào vào năm 1960 để nuôi giấu cán bộ cách mạng. Căn hầm có hình chữ nhật rộng khoảng 5m2. Trước đây, bốn vách tường hầm bằng đất, mặt hầm được lót ván nhằm chống sập. Cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông Châu đã tu sửa láng xi măng để giữ lại căn hầm nhằm chống bị sạt lở bởi thời gian. Giờ đây,  nước ngập đến gần nắp hầm. Ông Trần Châu kể: “Năm đó, cứ bắt đầu khoảng 22 giờ chúng tôi mới bắt đầu đào hầm. Ròng rã cả tháng mới hoàn thành. Căn hầm chứa được 2 người. Thời đó, hầm đất, mùa nắng nóng kinh khủng; mùa mưa, nước ngập gần đến miệng hầm, khi có động phải xuống hầm ngâm mình trong nước, chỉ ngoi đầu lên thở”.


Ông Châu vẫn còn nhớ một số cán bộ cách mạng (sau này đều là cán bộ, lãnh đạo huyện Vạn Ninh) có thời gian sống trong căn hầm nhà mình như: đồng chí Nghiệp, Thắng, Ba… Để quản lý, lưu giữ căn hầm, 10 năm trước, Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh (hiện nay là Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh) đã dựng bia di tích lịch sử bên góc sân nhà ông Châu. Giờ đây, nơi này trở thành địa chỉ đỏ, làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…


Theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn tỉnh có 5 hầm bí mật đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Đó là những căn hầm của gia đình: ông Nguyễn Kiến Đường, bà Nguyễn Thị Mực (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa), bà Nguyễn Thị Ngâm (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang), bà Nguyễn Thị Sang, ông Trần Châu (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh). Tuy nhiên, do thời gian đã làm biến đổi, các yếu tố gốc không còn, một số hộ gia đình xây, sửa nhà ở đã san lấp hầm nên hiện nay chỉ còn 3 hầm. Ông Nguyễn Tuấn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh cho biết: “Các căn hầm này mới chỉ được công nhận di tích chứ chưa được xếp hạng di tích nên không có kinh phí duy tu, bảo vệ. Do vậy, để được xếp hạng di tích, chủ căn hầm phải làm đơn đề nghị để chúng tôi có cơ sở khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ trình UBND tỉnh xem xét. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành rà soát, kiểm kê, xem xét đưa ra khỏi danh mục công nhận những căn hầm không còn đủ các tiêu chí”.

Tác giả bài viết: VĂN GIANG
Nguồn tin: www.baokhanhhoa.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp