UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tiến hành cổ phần hóa Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao nhằm giải quyết những khó khăn của trung tâm hiện nay.
Mong muốn sớm cổ phần hóa
Sau 15 năm (2004 - 2019) xây dựng và phát triển, từ một đơn vị sự nghiệp có thu với số vốn hơn 100 triệu đồng, đến nay, Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (gọi tắt là trung tâm) đã có vốn lưu động khoảng 6,5 tỷ đồng và trở thành đơn vị tự chủ tài chính. Đặc biệt, trung tâm đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh.
Hàng năm, trung tâm sưu tập và khảo nghiệm 8 - 10 giống lúa mới, chuyển giao một số giống lúa có năng suất cao, ít sâu bệnh vào sản xuất; phục tráng và sản xuất giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng các loại giống lúa đang được ưa chuộng nhưng do sản xuất nhiều vụ dẫn đến phân ly, thoái hóa. Đến nay, giống lúa nguyên chủng và xác nhận của trung tâm được sử dụng gần 13.000ha mỗi vụ, chiếm 76% diện tích gieo trồng, góp phần tăng năng suất lúa toàn tỉnh.
Trung tâm cũng là đơn vị đầu tiên khảo nghiệm, nhân giống xoài Úc (R2E2) hiện được trồng rộng rãi trên diện tích hơn 4.000ha tại nhiều địa phương; thực hiện kỹ thuật ghép xoài Úc với xoài Thủy Triều (giống xoài truyền thống) đem lại thu nhập cao cho nông dân. Đặc biệt, trung tâm đã nhân giống thành công 7 giống hoa lan nhiệt đới, bước đầu cung cấp giống cho người trồng cây cảnh và sản phẩm hoa lan Mokara cắt cành trên địa bàn Khánh Hòa và Phú Yên. Ngoài ra, trung tâm còn có trại heo giống quy mô 100 con heo nái sinh sản, cung cấp khoảng 700 - 900 heo hậu bị và heo con giống cho người chăn nuôi, cung cấp 5.000 liều tinh/năm phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo chất lượng đàn heo trong tỉnh.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt việc chuyển đổi trung tâm từ đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2018 - 2019. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi diễn ra chậm nên trung tâm gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn để phát triển. “Do đang trong quá trình cổ phần hóa nên những dự án thuộc vốn Nhà nước cấp đã tạm ngưng. Trong khi đó, trung tâm vẫn là đơn vị sự nghiệp nên không huy động được vốn, không vay được vốn ngân hàng. Sau khi được cổ phần hóa, trung tâm có định hướng vừa phát triển nông nghiệp công nghệ cao và kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp sạch để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế du lịch hiện nay. Vì vậy, trung tâm rất mong sớm thực hiện việc cổ phần hóa để tiếp cận các nguồn vốn”, ông Mai Xuân Thương - Giám đốc trung tâm cho biết.
Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay, trung tâm đang gặp một số khó khăn về vốn, về xây dựng chuỗi liên kết từ hộ nông dân, tổ chức sản xuất đến doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT tiến hành cổ phần hóa trung tâm nhằm giải quyết một phần những khó khăn này.
Đã lập phương án sử dụng đất
Theo kết quả kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) năm 2017, tại khu vực sản xuất nông nghiệp, trung tâm đã thực hiện cơ chế khoán sản phẩm hầu hết các bộ phận sản xuất cây trồng, trong đó có thuê mướn, sử dụng lao động ngoài. Trung tâm giao vườn, đất, cung ứng vốn, chỉ đạo về kỹ thuật, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, công nhân nhận khoán chịu về công lao động, sản phẩm làm ra giao nộp lại trung tâm theo yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo trung tâm rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.
Trao đổi về vấn đề này, ông Thương cho biết, trong quá trình quản lý, trung tâm có những hợp đồng khoán cho công nhân, phương thức khoán trong nông nghiệp đã có từ lâu. Ngoài ra, đối với vườn xoài thương mại, do thiếu lao động nên trong giai đoạn 2011 - 2015, trung tâm hợp đồng khoán vườn xoài cho hộ dân có kinh nghiệm, có thị trường đầu ra. Điều nay mang lại nguồn thu cho đơn vị bởi khi làm trực tiếp chỉ thu vài chục triệu đồng/năm, có năm lỗ nhưng khi khoán cho các cá nhân khác thì trung tâm thu gần tỷ đồng/năm. Trung tâm vẫn quản lý về mặt đất đai, chỉ khoán vườn xoài và đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích. Năm 2015, trung tâm lấy lại vườn xoài, tiếp tục quản lý và sản xuất cho đến nay. Năm 2014 - 2015, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, khi lập Dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (giai đoạn 2), trung tâm đã lập phương án sử dụng đất. Dự án đã được HĐND tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt, thời gian bắt đầu triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, do không bố trí được vốn nên dự án vẫn chưa triển khai. Hiện nay, trung tâm đang được chủ trương cổ phần hóa nên dự án này tạm ngưng. Đồng thời, để phục vụ cổ phần hóa, trung tâm cũng lập báo cáo phương án sử dụng đất trình các cơ quan liên quan và UBND tỉnh.
Tháng 3-2019, Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh đã giao Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra lại hồ sơ đất đai của trung tâm. Theo báo cáo của Sở TN-MT, trung tâm quản lý 12 khu đất với tổng diện tích 643.704,3m2. Trong đó, có 1 khu đất với diện tích 1.741m2, do quá trình sử dụng đất bị người dân lấn chiếm sử dụng từ năm 1981, trung tâm không có nhu cầu sử dụng nên đã bàn giao cho địa phương quản lý. 11 khu đất còn lại hiện được trung tâm trực tiếp quản lý, sử dụng với diện tích 641.963,3m2. Sở TN-MT cơ bản thống nhất nội dung phương án sử dụng đất của trung tâm; Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh đã đề nghị phê duyệt phương án này để phục vụ cổ phần hóa. Ngày 14-6, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất và giao Sở TN-MT dự thảo quyết định phê duyệt phương án sử dụng đất của trung tâm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
MAI HOÀNG