Những năm qua, công tác chăm lo cho người nghèo trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được quan tâm đúng mức. Qua các năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đều giảm dần, đời sống người dân được nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm
Gia đình bà Mang Thị Thu là hộ nghèo ở thôn Suối Lau 1 (xã Suối Cát). Nhờ vào nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với sự cần cù, chịu khó, gia đình bà đã dần có thu nhập giúp cuộc sống ổn định hơn. Hiện nay là hộ cận nghèo của xã, nhưng gia đình bà không ngừng nỗ lực, tìm hướng phát triển kinh tế. Từ trồng keo, bắp, vợ chồng bà chủ động trồng thêm xoài, chuối để tạo thu nhập. Nhờ đó, dù còn khó khăn, nhưng gia đình bà Thu đã tự xây được nhà. “Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ khác cũng vậy. Ở thôn Suối Lau 3, nhiều nhà được hỗ trợ vay vốn nên cùng nhau nuôi bò để cải thiện cuộc sống, tạo thêm thu nhập ngoài nương rẫy”, bà Thu nói.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, thời gian qua, người nghèo trên địa bàn huyện ngày càng được tạo điều kiện tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ: y tế, tín dụng… Bộ mặt nông thôn ở Cam Lâm có nhiều khởi sắc, hộ nghèo, cận nghèo phát huy được tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định. Đầu năm 2016, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 3.630/27.802 hộ, chiếm 13,06% toàn huyện. Đầu năm 2019, số hộ nghèo trên địa bàn huyện chỉ còn 1.344/29.046 hộ, chiếm 4,63%. Tại nhiều địa phương của huyện, số hộ nghèo đã giảm rõ rệt như: xã Cam Phước Tây chỉ còn 305 hộ (đầu năm 2016 là 770 hộ); xã Cam Hòa chỉ còn 95 hộ nghèo (đầu năm 2016 là 223 hộ); xã Suối Cát còn 194 hộ nghèo (đầu năm 2016 là 523 hộ)...
Triển khai nhiều giải pháp
Ông Phan Ngọc Châu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, hướng giải pháp giảm nghèo bền vững được địa phương tập trung triển khai là thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hộ nghèo đã tự chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu lao động, biết sản xuất kinh doanh để vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho 185 người và phi nông nghiệp cho 106 người. Trong đó, 174 người là đồng bào dân tộc thiểu số, 72 người thuộc hộ nghèo, 45 người thuộc hộ cận nghèo. Huyện đã cho vay số tiền gần 18,7 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ tìm kiếm việc làm.
Để tạo sinh kế lâu dài cho người dân, địa phương triển khai song song các chính sách cho vay vốn ưu đãi, đồng thời kết hợp chính sách hỗ trợ khuyến nông - lâm - ngư tùy vào điều kiện thổ nhưỡng của từng xã. Nhiều mô hình nông nghiệp được triển khai cho các hộ như: trồng bưởi da xanh cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Cát; trồng điều cao sản cho đồng bào dân tộc xã Sơn Tân; hỗ trợ mắt ghép cải tạo vườn điều cho các xã: Sơn Tân, Cam Phước Tây, Suối Cát... Cùng với đó, các hình thức bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng được đảm bảo như: hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp pháp lý… Hiện nay, 100% hộ nghèo, cận nghèo ở huyện được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 216 căn nhà cho hộ nghèo với số tiền hơn 10 tỷ đồng từ nhiều nguồn quỹ khác nhau. Để hỗ trợ pháp lý cho người dân, ngoài công tác tuyên truyền, một số địa phương phân công trực tiếp nhiệm vụ cho cán bộ Tư pháp - Hộ tịch phụ trách công tác này, giúp đảm bảo hiệu quả cao khi tư vấn và triển khai các thủ tục.
Theo lãnh đạo UBND huyện, đến cuối năm 2020, toàn huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; kết hợp tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với công tác giảm nghèo trong những năm tới, tập trung cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; phấn đấu xóa 100% nhà tạm của hộ nghèo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo việc làm, nhất là chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
V.THÀNH