Bùng phát dịch tả heo châu Phi

Thứ năm - 15/08/2019 14:16
Sau giai đoạn cầm cự, thời gian gần đây, tốc độ lây lan dịch tả heo châu Phi (ASF) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng đáng kể. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Bùng phát dịch tả heo châu Phi

Sau giai đoạn cầm cự, thời gian gần đây, tốc độ lây lan dịch tả heo châu Phi (ASF) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tăng đáng kể. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh.


Heo mắc bệnh tăng


Xuất hiện tại Khánh Hòa ngày 11-4, nhưng đến hết tháng 6-2019, toàn tỉnh chỉ ghi nhận ASF tại 15 hộ chăn nuôi ở 6 xã của các huyện: Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Nha Trang. Tuy nhiên, cũng như diễn biến của hầu hết các tỉnh, thành khác trên cả nước, sau giai đoạn cầm cự, ASF tăng nhanh kể từ tháng 7 và những ngày đầu tháng 8. Chỉ trong hơn 1 tháng, từ ngày 4-7 đến 10-8, toàn tỉnh ghi nhận thêm 52 hộ chăn nuôi có heo dương tính với ASF, tổng đàn là 1.000 con và đã có 784 con phải tiêu hủy. Tất cả các hộ nuôi có heo dương tính với ASF đều chăn nuôi ở quy mô nhỏ; phần lớn có tổng đàn dưới 20 con, nhiều hộ chỉ nuôi 1 - 2 con, hộ có đàn heo lớn nhất là 75 con.

 

Như vậy, tính đến ngày 10-8, ASF đã xảy ra tại 68 hộ chăn nuôi ở 28 thôn, 20 xã của 4 địa phương gồm: Diên Khánh, Nha Trang, Cam Lâm và Khánh Vĩnh. Tổng đàn heo của các hộ nuôi này là 1.276 con. Trong đó, số heo chết, heo buộc phải tiêu hủy là 1.060 con, với tổng trọng lượng hơn 58 tấn. Qua thống kê, ASF đang có dấu hiệu hoành hành tại Diên Khánh; 12 xã của địa phương này với 575 con heo dương tính với ASF đã phải tiêu hủy. Kế đến là Nha Trang với 160 con heo của các hộ nuôi ở Phước Đồng, Vĩnh Phương và Vĩnh Hòa dương tính với ASF phải tiêu hủy.


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời gian gần đây, số hộ phát sinh, số lượng heo tiêu hủy tăng nhiều, nguy cơ phát sinh ổ dịch mới, bùng phát dịch ra diện rộng trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Phước Đồng (Nha Trang), Diên Hòa, Diên Lộc (Diên Khánh). Số hộ, số heo tiêu hủy của các xã này đang chiếm khoảng 50% tổng số heo đã tiêu hủy vì ASF trên toàn tỉnh.

 

Người dân xã Diên Điền (Diên Khánh) rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi.

Người dân xã Diên Điền (Diên Khánh) rắc vôi bột khử trùng môi trường chăn nuôi.

 

Heo vùng dịch chỉ được tiêu thụ nội huyện


Trong nhiều nguyên nhân khiến cho ASF lây lan và gia tăng tốc độ, 2 yếu tố quan trọng nhất được nhắc đến là các giải pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và tình hình vận chuyển heo từ vùng dịch ra ngoài. Vì vậy, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành các hướng dẫn liên quan đến việc vận chuyển heo và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.


Theo đó, các địa phương cần tiêu hủy heo mắc bệnh, heo chết, heo có kết quả xét nghiệm dương tính với ASF. Những con heo khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng với heo mắc bệnh, nếu kết quả xét nghiệm âm tính với ASF thì được nuôi cách ly hoặc giết mổ để tiêu thụ tại địa bàn cấp huyện. Những con heo khỏe mạnh tại ô chuồng, dãy chuồng chưa có heo mắc bệnh, nếu xét nghiệm âm tính với ASF thì được giết mổ để tiêu thụ thuộc địa bàn cấp huyện, hoặc được vận chuyển đến nơi khác thuộc phạm vi địa bàn cấp tỉnh để nuôi với sự giám sát của thú y địa phương.


Đối với quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bên cạnh các yêu cầu về chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, quy trình nuôi, xử lý chất thải… cơ quan chức năng nhấn mạnh đến yếu tố vệ sinh chăn nuôi và kiểm soát người, phương tiện ra vào trại, chuồng chăn nuôi heo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo việc sử dụng chế phẩm vi sinh trong thức ăn cho heo. Khuyến cáo này dựa trên những con số thống kê của Cục Chăn nuôi. Theo đó, đàn heo của các trang trại có sử dụng các chế phẩm vi sinh trộn trong thức ăn chăn nuôi kết hợp với biện pháp an toàn sinh học có thể hạn chế được ASF. Điển hình như một số đơn vị chăn nuôi quy mô lớn ở Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, mặc dù trại nuôi của các doanh nghiệp này nằm xen kẽ trong vùng dịch, nhưng nhờ sử dụng thức ăn có bổ sung men vi sinh, kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học nên vẫn an toàn. Lực lượng thú y trong tỉnh cũng đang tập trung khuyến cáo người nuôi áp dụng các giải pháp chăn nuôi này.


Qua tìm hiểu, việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và bổ sung vi sinh vào thức ăn chăn nuôi đã và đang được hầu hết các trang trại chăn nuôi lớn (hơn 100 con) áp dụng. Đặc biệt là các trang trại heo giống và heo thịt quy mô hàng nghìn con. Tuy nhiên, theo ngành chức năng, việc áp dụng các giải pháp này đối với chăn nuôi quy mô nông hộ là khá khó khăn. Nhất là khi các điều kiện về chuồng trại, thức ăn, quy trình nuôi chưa thực sự an toàn hoặc không đủ điều kiện để áp dụng các giải pháp an toàn sinh học.


Ở một khía cạnh khác, theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P - Chi nhánh Khánh Hòa, các trang trại chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường các giải pháp nhằm không để cho ASF có thể xâm nhiễm. Mỗi ngày Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P cung cấp ra thị trường Khánh Hòa khoảng 700 con heo. Đây là con số ổn định, không có dấu hiệu tăng giảm thất thường.


Hồng Đăng
 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp