Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 với nhiều điểm mới, các trường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai dạy tăng tiết, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh (HS) lớp 12.
Từ đầu năm học 2018 - 2019, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP. Nha Trang) đã tổ chức cho HS khối 12 đăng ký tổ hợp sẽ thi để xét tuyển đại học và phân lớp phù hợp với khối thi. Hết học kỳ 1, nhà trường khảo sát lại và cho HS chuyển nguyện vọng, trên cơ sở đó, nhà trường sắp xếp lại, yêu cầu tổ chuyên môn lập kế hoạch dạy học với tinh thần “học đến đâu, chắc đến đó”, đồng thời tăng 12 tiết/tuần (2 tiết/tuần đối với mỗi môn thi THPT quốc gia). Các em được thầy cô rèn kỹ năng làm bài, hệ thống hóa các kiến thức bộ môn. Với các môn xã hội, các em luyện tập nhiều loại đề mở, làm các đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và đề do thầy cô biên soạn. Em Phan Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: “Qua theo dõi, em thấy đề thi năm 2018 khó hơn nhiều so với năm 2017, khối lượng kiến thức cũng rộng hơn. Năm nay, ngoài kiến thức lớp 11, 12, chúng em còn phải học thêm kiến thức lớp 10. Tuy phần lớp 10 ra không nhiều nhưng chúng em vẫn phải tập trung ôn tập, nhất là những bạn muốn xét tuyển đại học”.
Thầy Phạm Ngọc Thắng - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: “Việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp năm 2019 dự kiến gồm 70% điểm trung bình các bài thi THPT quốc gia, 30% điểm trung bình cả năm lớp 12 là một trong những khó khăn ở tất cả các trường. Từ đầu năm học, khi có thông tin này từ Bộ GD-ĐT, nhà trường đã phổ biến tới HS, giáo viên (GV) chủ nhiệm, GV bộ môn để chủ động trong dạy và học. Trong tháng 3 sẽ có một cuộc họp giữa lãnh đạo trường với phụ huynh khối 12 để phổ biến quy chế thi và yêu cầu phụ huynh hỗ trợ, phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục, quản lý HS”.
Theo thầy Nguyễn Đình Dân - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (thị xã Ninh Hòa), năm nay tỷ lệ tốt nghiệp khó đạt được như năm 2018 vì việc thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp. Nhà trường cũng đã thử tính tỷ lệ tốt nghiệp dựa trên kết quả kiểm tra học kỳ 1 theo đề chung của Sở GD-ĐT và kết quả tương đối thấp. Vì vậy, trường đã chỉ đạo GV chú trọng rèn luyện các kiến thức cơ bản cho HS theo dạng đề minh họa của Bộ GD-ĐT, tập trung vào mức độ 1 và 2 (nhận biết và thông hiểu), đồng thời hướng dẫn các em tự học để đạt được mức điểm từ 5 trở lên. So với chương trình chính khóa, các em được học tăng cường 14 tiết/tuần để củng cố kiến thức. Trường cũng phân hóa các lớp theo năng lực HS; các em có năng lực khá, giỏi sẽ được ôn tập nâng cao theo mức độ 3 và 4 (vận dụng và vận dụng cao) để tham gia xét tuyển đại học. Dự kiến giữa tháng 4, trường sẽ tổ chức thi thử cho HS khối 12.
Vừa qua, Sở GD-ĐT đã có hướng dẫn các trường tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT quốc gia 2019. Trong đó, yêu cầu các trường xây dựng ma trận đề kiểm tra 1 tiết và kiểm tra cuối học kỳ đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan, gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu. Sở GD-ĐT đã tập huấn cho cán bộ, GV cốt cán các đơn vị về việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa. Các trường cũng cần có kế hoạch kiểm tra cụ thể việc lên lớp, ôn tập của GV, tránh tình trạng giảng dạy, ôn tập không đảm bảo chất lượng, cắt xén chương trình… |
Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (TP. Nha Trang) cũng đã triển khai dạy tăng tiết cho HS khối 12. Thầy Huỳnh Vĩnh Khang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 666 HS khối 12 ở 15 lớp, trong đó có 493 HS học tăng cường tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên, 173 HS học tăng cường tổ hợp các môn Khoa học xã hội. Dựa trên số lượng HS đăng ký, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể theo từng khối thi và đối tượng HS. Từ đầu năm học 2018 - 2019, tăng cường thêm 4 tiết/tuần. Từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 3-2019, tăng thêm 8 tiết. Từ ngày 1-4 đến 26-5, nhà trường sẽ tăng thêm 12 tiết/tuần đối với tất cả các môn sẽ tổ chức thi (mỗi môn 2 tiết/tuần). HS sẽ được ôn tập kiến thức xuyên suốt từ lớp 10 đến 12 và giải đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố.
Theo cô Trịnh Vân Anh - GV Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, GV sẽ trang bị cho HS kiến thức lớp 12 thật chắc để các em nắm được các dạng đề, cấu trúc đề, từ đó bắt đầu mở rộng sang kiến thức lớp 10 và 11. HS không ôn theo kiểu đại trà từng bài mà ôn theo chủ đề, chủ điểm để nắm được kiến thức một cách tổng quát nhất. Đặc biệt là trang bị kỹ năng làm bài để linh hoạt xử lý các dạng đề thi. Trong các tiết học, GV đều tích hợp kiến thức đời sống xã hội ở các chuyên đề nghị luận xã hội, giúp các em có cái nhìn sâu sắc, toàn diện các vấn đề cuộc sống và không ở thế bị động khi bắt gặp những vấn đề đó trong đề thi.
Ông Nguyễn Sinh Cung - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, tùy theo điều kiện, các trường chủ động thời gian thích hợp để tổ chức kiểm tra học kỳ 2 bằng hình thức thi thử cho HS làm quen trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Các trường cũng đề nghị Bộ GD-ĐT sớm công bố quy chế thi THPT quốc gia 2019 để chủ động trong dạy học và ôn tập.
H.NGÂN