Những năm gần đây, các mô hình thanh niên làm kinh tế còn khá nhỏ lẻ, và chưa thành lập được hợp tác xã (HTX) thanh niên. Do đó, chưa có nhiều mô hình mang tính đột phá, tiếp cận được nguồn vốn vay lớn.
Phát triển nhỏ lẻ
Thống kê sơ bộ, ở huyện Cam Lâm có một số mô hình thanh niên làm kinh tế như: trồng xoài ở xã Suối Tân; nuôi dê và bò sinh sản ở xã Cam Phước Tây; trồng chuối ở Sơn Tân... Các mô hình chỉ mới dừng lại ở tính chất cá nhân, hộ gia đình. Anh Lê Thanh Văn - Bí thư Huyện đoàn Cam Lâm cho biết, tại xã Suối Tân cũng có một tổ hợp tác sản xuất về trồng xoài. Vừa qua, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện đã thành lập Câu lạc bộ Hoa lan ghép lũa trong thanh niên. Tuy nhiên, các mô hình chỉ mới dừng lại ở mức độ trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật sản xuất, chưa có mô hình tổ hợp tác hay HTX thanh niên cùng sản xuất.
Tại thị xã Ninh Hòa có 15 tổ hợp tác sản xuất của thanh niên, tuy nhiên đến nay, chỉ còn 2 tổ hoạt động là mô hình trồng rong nho ở phường Ninh Hải và tổ hợp tác trồng rau sạch ở xã Ninh Đông; các mô hình làm kinh tế còn lại đa phần là của cá nhân, hộ thanh niên. Theo anh Nguyễn Trung Hiếu - Phó Bí thư Thị đoàn, nguyên nhân khó khăn trong việc duy trì hoạt động của các tổ hợp tác thanh niên là chưa có cơ chế quản lý để hỗ trợ vay vốn. Thị xã đã có câu lạc bộ hỗ trợ thanh niên nhằm giúp đỡ, hướng dẫn các mô hình thanh niên làm kinh tế vay vốn, dư nợ đến nay khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, chưa có mô hình tổ hợp tác nào vay vốn vì chưa có hướng dẫn vay đối với loại hình này.
Tương tự, tổ hợp tác sản xuất nước đá sạch của thanh niên tại huyện Vạn Ninh trước đây đã từng làm thủ tục để xin vay vốn hỗ trợ sản xuất, nhưng gặp khó khăn nên không vay được. Tại địa phương còn 6 tổ hợp tác thanh niên sản xuất, tuy nhiên theo đánh giá, hoạt động chỉ còn mang tính cầm chừng, không mang lại hiệu quả cao, còn lại là các mô hình của cá nhân.
Đẩy mạnh cho vay dự án, hợp tác xã
Theo ý kiến của các cơ sở đoàn, mô hình tổ hợp tác thanh niên không phát huy hiệu quả do chưa có sự kết nối giữa các thành viên, không có sự ràng buộc về trách nhiệm. Cạnh đó, việc vay vốn để phát triển không có người chịu trách nhiệm chính; thủ tục cho vay với loại mô hình này còn khó khăn dẫn đến các mô hình chỉ hoạt động hiệu quả được một thời gian đầu rồi yếu dần.
Từ thực tế trên, nhiều địa phương đã có kế hoạch tập trung phát triển mô hình HTX trong thanh niên. Theo anh Nguyễn Trung Hiếu - Phó Bí thư Thị đoàn Ninh Hòa, để đẩy mạnh mô hình thanh niên làm kinh tế tập thể, hỗ trợ nhiều mô hình nhỏ lẻ, đơn vị đang có kế hoạch thành lập HTX thanh niên sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Khi đi vào hoạt động sẽ là đầu mối ký kết tiêu thụ sản phẩm của nhiều thanh niên cho các chợ đầu mối, siêu thị. “Đặc biệt, với mô hình HTX, việc tiếp cận vốn vay ưu đãi cho thanh niên sẽ dễ dàng hơn, vì cơ chế hoạt động như một công ty, có chủ thể chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, HTX sẽ thúc đẩy việc phát triển kinh tế của nhiều mô hình đơn lẻ hiện tại”, anh Hiếu nói.
Thống kê đến nay, dư nợ vốn vay ưu đãi trong thanh niên được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 155,4 tỷ đồng; vốn vay từ kênh Trung ương Đoàn là 770,5 triệu đồng. |
Thống kê đến nay, dư nợ vốn vay ưu đãi trong thanh niên được ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 155,4 tỷ đồng; vốn vay từ kênh Trung ương Đoàn là 770,5 triệu đồng. Anh Nguyễn Hữu Tuấn - Bí thư Huyện đoàn Vạn Ninh chia sẻ, việc hỗ trợ vay vốn cho mô hình tổ hợp tác là trăn trở của đơn vị khi chưa triển khai cho vay được loại hình này, trong khi các thanh niên có nhu cầu rất lớn. Vì vậy, Huyện đoàn đang tiến tới thành lập HTX thanh niên sản xuất nước đá cây, cung cấp ngư lưới cụ phục vụ nuôi trồng đánh bắt cho ngư dân, đặt tại xã Vạn Thạnh. Hiện nay, Huyện đoàn đang làm việc với các thanh niên và chính quyền địa phương để triển khai.
Theo đánh giá, các tổ hợp tác thanh niên đang gặp khó khăn về vốn. Một số tổ hợp tác có hoạt động sản xuất hiệu quả lại ngại vay vốn ưu đãi, vì chưa có quy định về trách nhiệm cá nhân các thành viên trong tổ.
Anh Bùi Hoài Nam - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, so với các thành phần khác, dư nợ vốn vay của thanh niên là không nhiều. Vì vậy, Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh việc vay vốn trong thanh niên với các mô hình HTX, dự án lập nghiệp, khởi nghiệp để mở rộng quy mô thanh niên làm kinh tế. Tỉnh đoàn sẽ làm việc với Liên minh HTX tỉnh để trang bị thêm kỹ thuật, kiến thức, kết nối các thanh niên với đầu mối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường đầu ra sản phẩm. Cùng đó, tổ chức hội thảo khoa học nhằm tháo gỡ những khó khăn trong các mô hình thanh niên làm kinh tế. Trung ương Đoàn vừa giao cho Cụm Đoàn miền Trung 3 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án kinh tế, lập nghiệp, khởi nghiệp của thanh niên. Tỉnh đoàn cũng đang xúc tiến các dự án để được nhận vốn vay từ nguồn này.
VĨNH THÀNH