Với tiềm năng, thế mạnh riêng về sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh đã tích cực tổ chức nhiều phiên chợ, lễ hội để kết nối cung cầu, hỗ trợ cho người dân tiêu thụ sản phẩm nông sản do mình làm ra và lan tỏa tinh hoa, nét đẹp những vùng cao.
Nhiều hoạt động được tổ chức
Cứ vào dịp sáng Thứ 7 tuần cuối tháng, bà Bo Bo Thị Phương (Tổ dân phố Hạp Cường, thị trấn Tô Hạp) lại mang gà vườn, măng le, rau rừng, chuối rừng ra bày bán tại Chợ phiên thị trấn Tô Hạp. Được duy trì từ tháng 9-2023 đến nay, chợ phiên này đã giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn trao đổi, mua bán các nông sản hay các mặt hàng thủ công do mình làm ra như: Các loại rau sạch, rau rừng, thịt heo đen, măng le, mật ong, chuối rừng, nấm linh chi, các loại trái cây, các sản phẩm thủ công đan lát từ tre, nứa… nên thu hút được nhiều người dân trong huyện đến chợ. Ngoài ra, ở các phiên chợ còn có khách du lịch ngoài huyện, ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và mua các sản vật của người dân.
Du khách tham gia Lễ hội trái cây Khánh Sơn năm 2024 |
Trước đó, Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ III tổ chức giữa tháng 8-2024 cũng đã thành công khi thu hút hơn 18.000 lượt khách đến với Khánh Sơn. Các hoạt động mua bán, trao đổi nông sản đã tiêu thụ được 127 tấn nông sản của nông dân. Tại lễ hội này, huyện cũng đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản địa phương; qua đó, đã có nhiều nông hộ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm nông sản với các cơ sở thu mua lớn trong và ngoài huyện… “Tôi đánh giá cao việc UBND huyện Khánh Sơn đứng ra tạo sân chơi, kết nối doanh nghiệp thu mua nông sản với các nhà vườn, nông dân trên địa bàn nhằm phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông sản, nhất là sầu riêng Khánh Sơn trên thị trường xuất khẩu”, bà Trần Thị Kim Quy, đại diện cơ sở thu mua sầu riêng Minh Lợi (xã Sơn Bình) bày tỏ.
Để kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, giữa tháng 10-2024 huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Phiên chợ Thương mại nông dân năm 2024 tại 2 địa phương này. Theo đó, phiên chợ này diễn ra ở 3 địa điểm ở huyện Khánh Sơn gồm: thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Lâm, xã Ba Cụm Bắc và 3 địa điểm ở huyện Khánh Vĩnh gồm: Thị trấn Khánh Vĩnh, xã Khánh Nam và xã Khánh Bình. Các phiên chợ đã thúc đẩy các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tư vấn, mua bán nông sản, vật tư nông nghiệp tại địa phương; mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phiên chợ cũng tạo cơ hội cho nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và các doanh nghiệp phân bón, vật tư nông nghiệp… gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh và góp phần mở rộng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp tại Khánh Sơn.
Để quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, giữa tháng 5-2024, huyện Khánh Vĩnh cũng đã tổ chức Lễ hội nông sản - giao lưu văn hóa các DTTS trên địa bàn với chủ đề “Thanh âm của núi”. Cùng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc được tổ chức, tham dự lễ hội, người dân và du khách còn được thưởng thức các sản phẩm nông sản sạch, đặc trưng trên địa bàn như: Bưởi da xanh, sầu riêng, cam xoàn, quýt, mít, gạo rẫy, măng le, mật ong, chuối rừng... Nhiều người đã tìm mua về làm quà, ủng hộ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, ĐBDTTS trên địa bàn bằng cách tìm mua những sản phẩm đan lát thủ công, hàng mỹ nghệ của ĐBDTTS ở địa phương như: Gùi, rổ, đồ trang trí... Các gian hàng với những không gian đặc trưng, gắn với bản sắc dân tộc ở từng địa phương của huyện; không gian trưng bày sản phẩm văn hóa, sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên, ĐBDTTS… cũng thu hút đông người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Tiếp tục kết nối, lan tỏa
Các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh là những địa phương có lợi thế lớn về phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bưởi da xanh. Hiện các địa phương đang hỗ trợ người dân phát triển theo hướng: Chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Cùng với đó, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững; tăng cường chuyển số trong lĩnh vực nông nghiệp…
Nhiều nông sản đặc trưng của huyện Khánh Vĩnh được trưng bày, quảng bá, giới thiệu tại Phiên chợ Thương mại nông dân năm 2024 |
Theo ông Nguyễn Quốc Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để phát triển thế mạnh nông nghiệp, huyện Khánh Sơn đang tích cực hỗ trợ nông dân trong cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đến nay đã có 15 mã số vùng trồng, tổng diện tích 430ha sầu riêng. Trong phát triển sản phẩm OCOP, huyện đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao và 33 sản phẩm OCOP 3 sao chủ yếu là nông sản của người dân. Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục triển khai các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, huyện cũng sẽ tích cực hỗ trợ hộ nông dân, các hợp tác xã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, nắm bắt kiến thức về thị trường; có giải pháp để xây dựng liên kết "4 nhà" trong phát triển nông nghiệp hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng giá trị sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường…
Còn theo ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Vĩnh, để giúp các sản phẩm tiêu biểu của địa phương vươn xa, địa phương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tăng cường hoạt động quảng bá, kết nối tiêu dùng sản phẩm trên môi trường số như liên kết đưa các sản phẩm: Dưa lưới Ô Xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp Thương mại bền vững Diệp Châu tại xã Sông Cầu; bưởi da xanh của các hợp tác xã, hộ kinh doanh và nhiều sản phẩm đặc trưng khác... lên các trang thương mại điện tử khác như: khanhhoatrade.gov.vn; Viettel Post... Từ đây, các sản phẩm tiêu biểu của địa phương đã được quảng bá, kết nối đến người tiêu dùng trong cả nước. Đồng thời, địa phương còn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể sản phẩm phối hợp với các trang thương mại điện tử đưa sản phẩm lên các nền tảng. Hàng năm, địa phương đều tổ chức tập huấn cho người dân có sản phẩm tiêu biểu tiếp cận, đưa hàng hóa, trao đổi mua bán trên sàn thương mại điện tử.
HẢI LĂNG