Khánh Sơn: Số ca mắc sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thứ ba - 10/12/2024 12:52
11 tháng năm 2024, huyện Khánh Sơn ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Khánh Sơn: Số ca mắc sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

11 tháng năm 2024, huyện Khánh Sơn ghi nhận gần 400 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Số ca mắc tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn huyện bắt đầu tăng cao từ tháng 8, tăng đột biến vào những tháng gần đây. Theo đó, 8 xã, thị trấn của huyện đều ghi nhận có ca mắc. Trong đó, thị trấn Tô Hạp ghi nhận số ca mắc cao nhất với hơn 200 ca, kế đến là xã Sơn Lâm 84 ca, Sơn Trung 75 ca. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện ghi nhận 12 ổ dịch; trong đó 8 ổ dịch đã được xử lý, còn 4 ổ dịch vẫn đang hoạt động nằm ở các thôn: Ma O và Tà Nĩa (xã Sơn Trung), Du Oai (xã Sơn Lâm), Tà Giang II (xã Thành Sơn).

ảnh chưa có chú thích ??????????????
Đoàn viên thanh niên thị trấn Tô Hạp ra quân xử lý các dụng cụ chứa nước 
ở nhà người dân để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Thạch - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, khi phát hiện ca bệnh SXH gia tăng trên địa bàn, trung tâm đã có công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xin hỗ trợ nhân lực tham gia hướng dẫn chuyên môn và triển khai diệt lăng quăng. Đồng thời, chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng và phun hóa chất trên địa bàn; phối hợp với địa phương tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại hộ gia đình. Trung tâm cũng đã chỉ đạo các cơ sở y tế tranh thủ tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH khi thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân, khi tổ chức tiêm chủng mở rộng, trong các buổi họp giao ban y tế thôn bản, họp thôn… Các cán bộ y tế còn phối hợp với các ban, ngành, địa phương trực tiếp đi từng ngõ, gõ từng nhà, từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cách tự xử lý những dụng cụ chứa nước, vật dụng phế thải tại nhà, không cho muỗi vào đẻ trứng; hướng dẫn các biện pháp diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Cùng với đó, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các đợt phun hóa chất diệt muỗi chủ động ở những địa phương có số ca mắc cao; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ra quân diệt lăng quăng ở nhà của gần 1.650 hộ dân; xử lý 910 dụng cụ chứa nước, qua đó phát hiện có hơn 320 dụng cụ có lăng quăng…

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Bác sĩ Trần Ngọc Thạch cho biết: “Tuy ngành Y tế địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp, nhưng do thời tiết, khí hậu trên địa bàn huyện mưa, nắng thất thường đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khó dập tắt được các ca bệnh SXH ở địa phương. Cùng với đó, ý thức người dân chưa cao, coi công tác vệ sinh môi trường, dọn dẹp các dụng cụ chứa nước, phế thải tại nhà có khả năng chứa lăng quăng là công việc của ngành Y tế. Do đó, từ nay đến cuối năm, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hạn chế thấp nhất số ca mắc”.

Theo đó, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, xử lý kịp thời ca bệnh, ổ dịch để phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức như: Phát thanh trên loa đài; tuyên truyền trên các trang tin điện tử; tuyên truyền trực quan bằng băng rôn, khẩu hiệu, cấp phát tờ rơi… Trung tâm tiếp tục chỉ đạo trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể cùng người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch SXH trên địa bàn tỉnh. Những địa phương có số ca mắc cao như: Thị trấn Tô Hạp và các xã Sơn Lâm, Sơn Trung, Thành Sơn sẽ ra quân thực hiện diệt lăng quăng 1 tuần/lần; các xã còn lại 2 tuần/lần. Trung tâm Y tế huyện chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại đơn vị để điều trị, hạn chế thấp nhất tử vong do SXH. Đối với những ca nặng, nếu vượt quá khả năng điều trị sẽ hội chẩn và chuyển lên tuyến trên. Đồng thời, thường xuyên báo cáo tình hình ca bệnh SXH cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người huyện Khánh Sơn và Sở Y tế để có hướng chỉ đạo và đưa ra các giải pháp phòng, chống hiệu quả.

C.ĐAN

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp