Khánh Sơn: Quyết tâm không để tái nghèo 

Thứ ba - 10/12/2024 12:52
Khánh Sơn: Quyết tâm không để tái nghèo 

Không để huyện Khánh Sơn tái huyện nghèo, không để các hộ dân tái nghèo là một trong những ý kiến chỉ đạo của ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn cuối tháng 11. Để đưa huyện phát triển thành huyện khá, huyện giàu, người dân thoát nghèo bền vững, Khánh Sơn sẽ chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp.

Không để tái nghèo

Khánh Sơn là huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với xuất phát điểm rất thấp nên trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương này là 1 trong 74 huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 lên đến 66,31% số hộ dân toàn huyện; thu nhập bình quân của người dân cũng ở mức thấp. Đến cuối năm 2024, một trong những điểm sáng của huyện là đã đạt các tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhanh khi chỉ còn 31,67%, trong đó có 1.620 hộ nghèo (tỷ lệ 20,17%), 908 hộ cận nghèo (tỷ lệ 11,3%); thu nhập bình quân đầu người của huyện đã đạt 36,12 triệu đồng/người/năm, tăng 1,53 lần so với cuối năm 2020. Việc huyện hoàn thành mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo sớm 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra là thành quả đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện. Đây cũng là tiền đề quan trọng để huyện hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn có thu nhập cao nhờ trồng cây ăn quả
Đồng bào dân tộc thiểu số huyện Khánh Sơn có thu nhập cao nhờ trồng cây ăn quả.

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Khánh Sơn mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành đã đề nghị huyện sau khi được công nhận thoát khỏi huyện nghèo, kiên quyết không được để tái huyện nghèo mà phải phát triển thành huyện khá, huyện giàu bằng chính nội lực của mình. Muốn vậy, huyện phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng huyện, các quy hoạch chi tiết để có định hướng phát triển phù hợp, khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng trong huyện. Song song với đó, huyện cần xác định phân bổ các nguồn lực đầu tư, phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo được động lực phát triển; khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch để phát triển. Đối với thế mạnh phát triển nông nghiệp, huyện cần lưu ý việc phát triển đa dạng các cây trồng có giá trị kinh tế cao; đối với phát triển du lịch, huyện có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển nên cần định vị, giới thiệu để thu hút các nhà đầu tư, nhất là thế mạnh du lịch sinh thái; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Phát huy nội lực

Theo ông Đinh Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện, việc sớm thoát khỏi huyện nghèo còn là động lực quan trọng giúp huyện Khánh Sơn sớm bắt tay vào thực hiện khát vọng phát triển với mục tiêu trở thành “tiểu đô thị sinh thái núi rừng” như định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện, huyện sẽ sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và phát huy tối đa nội lực của mình để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhất quyết không để tái huyện nghèo mà phải đưa huyện sớm trở thành huyện khá, phấn đấu trở thành huyện giàu.

Nội lực mà lãnh đạo huyện nói đến đó chính là lợi thế riêng có về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp, với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Nông nghiệp đang là ngành kinh tế mũi nhọn khi chiếm đến hơn 70% trong cơ cấu kinh tế của huyện; đây cũng là chìa khóa để huyện “xóa nghèo” nhanh trong những năm gần đây và được kỳ vọng mở ra cánh cửa giúp người dân vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu. Hiện nay, toàn huyện có 3.640ha cây ăn quả, sản lượng năm 2024 dự kiến đạt 22.219 tấn. Trong đó, riêng sầu riêng chiếm đến 71% diện tích cây ăn quả, với 2.600ha; diện tích đang cho thu hoạch 1.700ha, sản lượng năm 2024 đạt 17.000 tấn, mang lại nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng cho người dân địa phương. Để phát triển nông nghiệp, huyện đang chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp” theo hướng sản xuất hữu cơ; đa dạng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao chứ không riêng phát triển cây sầu riêng.

Bên cạnh đó, Khánh Sơn cũng là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa để phát triển du lịch. Huyện đang đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đưa du lịch phát triển ngang tầm với ngành nông nghiệp. Để phát triển du lịch bền vững, địa phương xác định phát triển theo hướng xanh, sử dụng hiệu quả các giá trị thiên nhiên và giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Để giảm nghèo bền vững cho người dân, huyện tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề, kết nối, giải quyết việc làm cho người dân… Công tác giảm nghèo phải đi vào thực chất, nghĩa là phải thực sự nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần của người dân; người dân thực sự thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Tinh thần này sẽ được địa phương lan tỏa đến từng nhà, từng người, để các hộ dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số phải đổi được nếp nghĩ, cách làm, để các hộ mới thoát nghèo không tái nghèo mà phải vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu.

HẢI LĂNG

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp