Sự quan tâm, chăm sóc đầy trìu mến của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cầu Bóng đã giúp nhiều em nhỏ trên địa bàn vượt qua khó khăn thường ngày, nỗ lực vươn lên.
Lớp học đặc biệt
Từ đường 2-4 rẽ vào chừng 50m, hướng lên dãy núi Sạn thuộc tổ dân phố 19 phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang (khu Trường Phúc) có một lớp học đặc biệt. Ở những con hẻm nhỏ lưng chừng núi, vài thanh niên hướng ánh mắt trân trân nhìn người lạ. Không khí lạnh lẽo ngờ vực đó chỉ được xóa nhòa bởi tiếng trẻ đọc bài, tiếng giảng bài sang sảng phát ra từ lớp học tình thương của Đồn Biên phòng Cầu Bóng.
15 năm qua, đều đặn 5 tối/tuần (từ thứ Hai đến thứ Sáu), Nhà văn hóa của tổ dân phố luôn sáng đèn. Không đồng phục, cặp sách, cũng chẳng có lớp trưởng, nhưng hơn ba chục cô cậu học trò lô nhô thấp - cao vẫn vui vẻ ngồi chung phòng để học nhiều lớp khác nhau.
Thiếu tá chuyên nghiệp - "thầy giáo" Nguyễn Huy Tưởng viết lên tấm bảng được chia làm 3 cột, ứng với bài học cho 3 dãy bàn, cũng là 3 lớp khác nhau trong cùng phòng học. Cột bên trái để các em lớp 4 - 5 ôn lại kiến thức Giáo dục công dân, sau đó học mở rộng vốn từ "ước mơ" trong môn Văn - tiếng Việt. Cột chính giữa, ứng với các em dãy giữa, làm tính lớp 2 - 3. Cột bên phải dành cho các em lớp 1. Duy trì lớp học nhiều trình độ này không hề đơn giản, bởi các em vốn quen la cà chơi ngoài triền núi, lối đi hoặc phụ giúp cha mẹ kiếm sống, chưa từng tới trường. Bởi thế, suốt 2 giờ, thầy phải liên tục đi lên đi xuống bao quát cả lớp, tới bàn này giảng lại một bài toán, xuống bàn kia hướng dẫn trò đồ lại con chữ, lên bảng viết, giảng bài cho lớp lớn. Thỉnh thoảng, thầy lại phải huy động cây thước mỏng đập mạnh xuống bàn, nhắc nhở các em trật tự, tập trung học tập.
Ông Huỳnh Phúc - Tổ trưởng tổ dân phố 19 nhớ lại, khu Trường Phúc vốn phức tạp vì phần lớn là người lao động nhập cư hoặc bị giải tỏa từ nơi khác. Đa số không có hộ khẩu, gia đình khó khăn, cha mẹ chật vật kiếm sống nên hầu hết các em không được đi học. Nhiều đứa trẻ lớn lên không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ. Lớp học tình thương ra đời từ đề xuất của người thầy giáo mang quân hàm xanh Nguyễn Huy Tưởng đã bù đắp cho các em phần nào thiếu thốn đó.
Nhưng vận động các em đi học đã khó, giữ các em gắn bó với lớp còn khó hơn nhiều. Không ít lần, điểm danh vắng học trò, thầy giáo Tưởng lại giao bài tập rồi cấp tốc đi tìm trò đưa về. Để giúp các em “nhặt” từng con chữ, thầy phải "vừa dạy vừa dỗ". Sách, bút được hỗ trợ toàn bộ. Dịp lễ, Tết, các em có quà. Năm ngoái, đồn còn phối hợp hỗ trợ cho các em đi chơi ở khu du lịch suối khoáng.
15 năm qua, lớp học tình thương đã giúp hơn 100 em từ 6 đến 18 tuổi biết đọc, biết viết, thành thạo tính toán; hầu hết các em được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, rồi “tốt nghiệp” lớp học tình thương để mưu sinh cho cuộc sống. Nhiều em nhỏ cùng nhà đã tham gia lớp học này, như: 2 chị em Nguyễn Thị Thu Thảo (tổ 18); 4 chị em Trần Nguyễn Thu Thủy (tổ 19). Hiện nay, con của chị Thu Thủy cũng đang học tại đây. Chị Nguyễn Thị Ngọc Thắm (tổ 20) có 4 chị em cùng học ở đây. Thắm mới lập gia đình và sống ổn định với việc bán hàng quần áo tại chợ Vĩnh Hải. Thắm nhớ lại, khi em 8 - 9 tuổi, cả 4 chị em vẫn chưa đi học. 5 mẹ con chỉ trông vào sạp trứng vịt lộn. Lúc 11 - 12 tuổi, em đã đi phụ bán hàng thuê. Khi các chú bộ đội biên phòng đến nhà vận động, mấy chị em cũng thấy ngại học, khi biết các bạn ở lớp được nhận quà mới đồng ý tới lớp vì ham! "Nhưng đi học rồi, em mới cảm nhận được thầy Tưởng hết lòng vì các em, kiên trì từng ly từng tý. Ai vắng là thầy hỏi, ai đau bệnh là thầy đến thăm. Thầy không chỉ dạy chữ, mà còn dạy đạo làm người, dạy cách phòng tránh kẻ xấu. Nếu ngày đó không có thầy dạy chữ, 4 chị em lớn lên vất vả biết bao!", Thắm nói.
Cũng trong 15 năm qua, thầy Tưởng chưa có một tối trong tuần ở nhà. Con gái lớn 12 tuổi từ khi sinh ra đã quen việc cha đi dạy buổi tối. Những khi vợ vắng nhà, thầy Tưởng lại chở cả 2 con tới lớp học tình thương, vừa dạy học trò, vừa trông con ôn bài. “Bà con ở tổ dân phố cảm kích tấm lòng của bộ đội biên phòng nên cũng nhắc nhở bọn trẻ đi học đều. Mừng là các cháu đã biết tránh xa tệ nạn xã hội, lớn lên chăm chỉ lao động lương thiện và luôn nhớ ơn thầy”, ông Phúc nói.
Nâng bước em tới trường
Đại tá Nhữ Mai Pháo - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Những năm qua, Đồn Biên phòng Cầu Bóng luôn là một trong những lá cờ đầu trong lực lượng biên phòng tỉnh về công tác vận động quần chúng. Đặc biệt, việc tổ chức và duy trì lớp học tình thương suốt 15 qua để góp phần giúp các em nhỏ khó khăn, bất hạnh có thêm nghị lực và không bị thất học là một điểm sáng trong công tác này của đơn vị. Đồn Biên phòng Cầu Bóng nhiều lần được Bộ Chỉ huy khen thưởng về công tác vận động quần chúng. Riêng Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Huy Tưởng đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng bằng khen; Chủ tịch Nước tặng quà tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017. |
14 năm trước, 2 chị em P.H.K.V (lớp 11, Trường THPT Lý Tự Trọng) bất ngờ mồ côi cả cha lẫn mẹ do tai nạn giao thông. Em trai V. mới 10 tháng tuổi được bác chăm chút từng muỗng sữa. Chục năm trôi qua, hai chị em quen dần với nỗi thiếu vắng cha mẹ thì người bác bị biến chứng tiểu đường, phải cắt chân. Những đồng tiền công tích cóp ít ỏi trong nhà đều dồn chữa trị cho bác. Gia đình ngược xuôi lo cái ăn, cái mặc. Hai chị em về sống với nội trong căn nhà đơn sơ ở phường Vĩnh Hải. Ngoài giờ học, ngày ngày, V. giúp bà đi hái me thuê kiếm chút tiền mưu sinh, nhưng bà đau lưng nhiều nên bữa làm bữa nghỉ. Năm 2015, chuyện học hành tưởng chừng phải gác lại thì V. được các chú bộ đội ở Đồn Biên phòng Cầu Bóng nhận đỡ đầu. “Nhờ có các chú mà em có cơ hội học tiếp. Em sẽ cố gắng tốt nghiệp THPT và đăng ký học ngành tâm lý. Em muốn giúp những người bị trầm cảm, dễ kích động, chán chường lấy lại cân bằng tinh thần, giải tỏa bế tắc, tin vào cuộc sống. Có niềm tin mới có nỗ lực vươn lên. Sau này đi làm được, em sẽ góp thêm hỗ trợ các em nhỏ khó khăn, như các chú bộ đội biên phòng đã giúp em”, V. chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Trinh, bà nội V. cho biết thêm: "Các chú bộ đội biên phòng nồng hậu, quan tâm lắm, có quà gì cũng gọi V.".
N.Đ.T (lớp 8, Trường THCS Lý Thường Kiệt, Nha Trang) cũng có một tuổi thơ không êm đẹp. Năm 2014, cha T. qua đời vì bệnh lao phổi. 1 năm sau, mẹ em cũng ra đi vì xơ gan. 10 tuổi, T. chẳng còn vẻ hồn nhiên như các bạn cùng lứa. Căn nhà nhỏ ở Cù Lao Trung ngày càng xuống cấp, mưa dột tứ tung, tường nứt hết, hai bà cháu phải đi thuê trọ ở đường Đoàn Trần Nghiệp với giá 1,4 triệu đồng/tháng. Bà ngoại T. gắng gồng đi phụ quán ăn vào buổi sáng và rửa ly thuê vào buổi tối, cả tháng quay cuồng kiếm được chừng 4 triệu đồng, đủ cho bà cháu tằn tiện trả tiền thuê nhà và sinh hoạt, học hành. Thương bà, T. muốn thôi học… Nhưng các chú biên phòng đã nhận đỡ đầu T., trích tiền lương của các cán bộ, chiến sĩ đơn vị, hàng tháng hỗ trợ em ăn học từ năm lớp 6. Mong muốn đứa con đỡ đầu vui vẻ trở lại, các chú thường xuyên đến chơi, cho quà, chỉ dạy thêm cho T. Nhờ vậy, bộ đội nhận ra T. thích nghề hướng dẫn du lịch. Hè vừa qua, đơn vị vận động hỗ trợ T. học khóa tiếng Anh. T. xúc động: "Con rất biết ơn các chú biên phòng. Không chỉ hỗ trợ con hàng tháng, các chú còn quan tâm giúp con thực hiện ước mơ của mình!".
Ngoài V. và T., từ năm 2017, Đồn Biên phòng Cầu Bóng còn nhận đỡ đầu 2 hộ nghèo ở phường Vĩnh Thọ. Đồn cũng phân công mỗi cán bộ, đảng viên phụ trách một số hộ thuộc địa bàn, tổng số gần 100 hộ. Đồn còn tích cực tham gia cứu hộ cứu nạn, phòng chống lụt bão, thiên tai… “Chúng tôi rất vui khi thấy các em học hành chăm ngoan, kết quả học tập ngày càng tốt. Nhưng chúng tôi còn mong mỏi các em cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương của đơn vị, cộng đồng để lạc quan với cuộc sống; nỗ lực theo đuổi ước mơ và mong được hỗ trợ các em lập nghiệp, làm những công việc lương thiện hoặc bước tiếp vào đại học”, Trung tá Nguyễn Văn Tân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cầu Bóng tâm sự.
THIỀU HOA - THẾ ANH