Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thứ sáu - 01/03/2019 13:19
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh ở một số địa phương với tỷ lệ mắc bệnh tăng cao. Qua kiểm tra thực tế phòng, chống bệnh ở Nha Trang và Diên Khánh, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng nhanh ở một số địa phương với tỷ lệ mắc bệnh tăng cao. Qua kiểm tra thực tế phòng, chống bệnh ở Nha Trang và Diên Khánh, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.


Số ca mắc tăng cao


Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, đến tuần 8 (ngày 24-2), toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 3.668 ca mắc SXH, không có ca tử vong; so với cùng kỳ (428 ca), số mắc tăng hơn 7 lần. Trong đó, tháng 1 toàn tỉnh ghi nhận 2.249 ca, còn lại số ca mắc trong tháng 2 (so với tháng 1 giảm 26,5%). TP. Nha Trang, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh là 3 địa phương có số mắc mới cao nhất trong 2 tháng đầu năm 2019.  

 

Kiểm tra lăng quăng tại một hộ dân ở huyện Diên Khánh.

Kiểm tra lăng quăng tại một hộ dân ở huyện Diên Khánh.


Tại TP. Nha Trang ghi nhận 2.192 ca mắc SXH, chiếm gần 2/3 số ca mắc toàn tỉnh, tăng gần 8 lần so với cùng kỳ; thị xã Ninh Hòa có 549 ca mắc, tăng gấp 10 lần; Diên Khánh có 322 ca mắc, tăng gấp 3 lần. Ngoài ra, các địa phương còn lại đều có số ca mắc tăng. Cụ thể, huyện Cam Lâm 182 ca (tăng gấp 6 lần); huyện Khánh Vĩnh 56 ca (tăng gấp 17 lần), huyện Vạn Ninh 217 ca (tăng gần 9 lần), TP. Cam Ranh 150 ca (tăng 29 lần).


Trước tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Đắc Tài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra công tác phòng, chống SXH tại TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh. Tại TP. Nha Trang, đoàn đã đi kiểm tra thực tế 15 hộ, 3 công trình xây dựng, trường học. Kết quả cho thấy, chỉ số muỗi, số dụng cụ chứa nước có lăng quăng rất cao, vượt gấp nhiều lần ngưỡng quy định. Đặc biệt, tại 3 công trình xây dựng, phát hiện các hồ chứa nước dày đặc lăng quăng. Tương tự, tại huyện Diên Khánh, qua kiểm tra đột xuất tại 3 trường học, hơn 10 hộ ở xã Diên Lâm và Diên Phước, thì hơn 1/2 số hộ và 2 trường học ở một số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, chỉ số muỗi cao hơn quy định.


Phòng, chống chưa hiệu quả


Các địa phương đều cho biết, từ đầu năm đến nay, các địa phương đã phun hóa chất xử lý muỗi ở các xã, phường trọng điểm, có số mắc cao; xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh; triển khai hoạt động diệt lăng quăng ở các hộ gia đình… theo kế hoạch và tình hình thực tế, “Vậy tại sao SXH vẫn chưa giảm?”, ông Nguyễn Đắc Tài đặt vấn đề. Theo đại diện các địa phương, có 2 nguyên nhân chung là thời tiết thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển và một bộ phận người dân vẫn thờ ơ với phòng bệnh SXH, vẫn quen trữ nước sinh hoạt tạo môi trường cho muỗi có nơi sinh sản… Ngoài ra, ông Nguyễn Sỹ Khánh - Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: “Tại Nha Trang có nhiều công trình xây dựng, ở trong đó có nhiều nơi nước đọng là điều kiện phát sinh muỗi. Năm 2018, thành phố đã kiểm tra 12 công trình, phát hiện có 6 công trình nhiều lăng quăng ở các hồ chứa nước. Số lượng công trình quá lớn nên vẫn chưa kiểm tra hết”.


Theo bác sĩ Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế, nguyên nhân SXH gia tăng là do các địa phương xử lý ổ dịch chưa hiệu quả; xử lý lăng quăng các vùng theo tuần, tháng là chưa quyết liệt và cụ thể… Mặt khác, công tác tuyên truyền chưa thật sự hiệu quả. Chẳng hạn, nhiều người dân vẫn còn cho rằng muỗi truyền bệnh SXH chỉ sinh sản ở các cống rãnh, nơi nước bẩn tù đọng. Điều này là hoàn toàn sai vì muỗi vằn chỉ sinh sống ở những nơi nước sạch. Ngoài ra, thời gian phun hóa chất chưa phù hợp, có nơi thì trùng thời gian sinh hoạt của người dân, có lúc thì rơi vào thời gian người dân đi làm… Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại TP. Nha Trang, tỷ lệ hộ gia đình đóng cửa vắng nhà khi phun hóa chất chiếm 50 - 60%, tỷ lệ hộ gia đình không cho vào nhà phun chiếm khoảng 15%. Ngoài ra, ở một số nơi lực lượng ban, ngành, đoàn thể chưa tích cực tham gia công tác diệt lăng quăng, có nơi khi ra quân chỉ có 50% lực lượng tham gia, thành phần chủ yếu tổ trưởng dân phố, phụ nữ, hội cựu chiến binh, trong khi đó lực lượng thanh niên hầu như không có…


Lãnh đạo phải chịu trách nhiệm


Từ thực tế kiểm tra, ông Nguyễn Đắc Tài đã chỉ đạo rất cụ thể và quyết liệt. Trước hết, các địa phương phải xem công tác phòng, chống SXH nói riêng và chống dịch bệnh nói chung là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm với mục tiêu cao nhất ngăn chặn số ca mắc, không để bùng phát thành dịch. Chủ tịch và bí thư các xã, phường phải chịu trách nhiệm về công tác này. Nếu địa phương nào để xảy ra dịch, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể phải huy động toàn bộ lực lượng tham gia. Đồng thời cần thay đổi công tác truyền thông theo hướng để người dân hiểu, tự giác phối hợp, và biết diệt lăng quăng cái gốc của công tác phòng, chống dịch SXH. Bên cạnh đó, tiến hành giám sát các trường học, trụ sở, văn phòng làm việc các cơ quan; các địa phương cần thay đổi lịch phun hóa chất phù hợp với lịch sinh hoạt của người dân. Sở Xây dựng phối hợp với TP. Nha Trang tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống bệnh SXH ở các công trình xây dựng, hướng dẫn cho các đơn vị biết cách xử lý lăng quăng và phải hậu kiểm. Sở Y tế đẩy mạnh công tác giám sát ở các địa phương, hàng tuần báo cáo cho UBND tỉnh; hỗ trợ các địa phương dập dịch quyết liệt ở xã, phường trọng điểm…


C.Đan

 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp