Gia tăng sự hài lòng của người dân

Thứ hai - 17/06/2019 20:28
Năm 2018, Khánh Hòa đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng kết quả cải cách hành chính cấp tỉnh. Trong các lĩnh vực đạt thứ hạng cao, công tác chỉ đạo điều hành và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) chuyển biến đặc biệt tích cực. Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Gia tăng sự hài lòng của người dân

Năm 2018, Khánh Hòa đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng kết quả cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh. Trong các lĩnh vực đạt thứ hạng cao, công tác chỉ đạo điều hành và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) chuyển biến đặc biệt tích cực.

 

Bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang

Bộ phận một cửa của UBND TP. Nha Trang

Những điểm cộng ý nghĩa


Trong 8 lĩnh vực đánh giá, Khánh Hòa có 4 lĩnh vực đạt thứ hạng rất cao, gồm: chỉ đạo điều hành CCHC; hiện đại hóa hành chính; cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và cải cách tài chính công.

 

Trong công tác chỉ đạo điều hành CCHC, Khánh Hòa đã vượt ngoạn mục từ vị thứ 23 lên thứ 2 toàn quốc, tăng 21 bậc so với năm 2017; chỉ mất 0,5 điểm do còn 1 nhiệm vụ trễ hạn trên hệ thống nhắc việc của Văn phòng Chính phủ. Đây là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều văn bản yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy định, chỉ đạo CCHC của cấp có thẩm quyền; khẩn trương khắc phục hạn chế và những vấn đề khách hàng chưa hài lòng; chuyển mạnh hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ trực tuyến; mạnh dạn áp dụng các phương pháp quản lý, điều hành mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả CCHC. Công tác tuyên truyền CCHC tiếp tục được chú trọng. Nhiều đoạn video được phát hành trên Facebook, Youtube, trang tin điện tử để tuyên truyền kết quả, chính sách mới về CCHC hoặc hướng dẫn người dân, tổ chức đăng ký TTHC trực tuyến. Nhiều cơ quan còn gửi tin nhắn qua Zalo để cung cấp thông tin tiếp nhận; trả lời phản ánh, kiến nghị; thông báo kết quả giải quyết hồ sơ…

 

Kết quả các chỉ số thành phần của Khánh Hòa

Kết quả các chỉ số thành phần của Khánh Hòa

 

Trong khi lĩnh vực hiện đại hóa hành chính của cả nước đạt thấp nhất thì Khánh Hòa vẫn tăng đáng kể, vươn lên thứ 2, chỉ sau Hà Nội và chiếm ngôi đầu khu vực Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung của Đà Nẵng. Nhiều nội dung của tỉnh đạt điểm tối đa như: cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001. Khánh Hòa là 1 trong 4 tỉnh có tỷ lệ TTHC phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến mức độ 3 và 4 hơn 60% số TTHC đã triển khai; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến mức độ 3 hơn 40% so với số hồ sơ đã tiếp nhận. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh góp phần quan trọng giúp tỉnh đạt điểm tối đa về cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỷ lệ văn bản đi, đến được chuyển trên môi trường mạng trên tổng số văn bản gửi, nhận giữa các cơ quan, đơn vị và trong nội bộ cơ quan đạt 97,3%; chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng không kèm văn bản giấy đạt 71,6%.


Ở nội dung cải cách TTHC, Khánh Hòa là 1 trong 5 tỉnh đạt điểm tối đa về: tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Năm 2018, tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hạn của tỉnh đạt 98,32%; tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn 1,68%, giảm 1,5 lần so với năm 2017. Hơn 300 TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết so với quy định; nhiều thủ tục cắt giảm 1/3 đến 1/2 thời gian. Ngoài ra, lĩnh vực cải cách tài chính công của tỉnh cũng đạt cao hơn 10% so với trung bình chung. Hầu hết cơ quan, đơn vị có tỷ lệ tiết kiệm chi hành chính lớn hơn 10%.


Đáng mừng hơn, chỉ số thành phần SIPAS (thuộc lĩnh vực tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương) chuyển biến rất đáng kể, đạt 79,79%, tăng hơn 10% và tăng 19 bậc so với năm 2017. Kết quả này cũng khá sát so với kết quả khảo sát của tỉnh. Khánh Hòa nhận được nhiều ý kiến hài lòng của người dân ở cả 5 yếu tố đánh giá: tiếp cận dịch vụ; TTHC; công chức; kết quả dịch vụ; tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị. Tỷ lệ hài lòng tăng rõ rệt ở một số nội dung như: nơi ngồi chờ có đủ chỗ ngồi; TTHC được niêm yết công khai, đầy đủ; công chức có thái độ giao tiếp lịch sự, hướng dẫn kê khai hồ sơ chu đáo, dễ hiểu, đầy đủ… Điều này cho thấy người dân đã ghi nhận nỗ lực CCHC của tỉnh.

 

 

Quyết tâm khắc phục hạn chế

 

Xét trên 4 trục điểm số cấu thành chỉ số CCHC cấp tỉnh năm 2018, Khánh Hòa có điểm thẩm định của Bộ Nội vụ xếp thứ 4; SIPAS xếp thứ 43; chỉ số điều tra xã hội học (lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh) xếp thứ 47 và tác động CCHC về mức độ thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp xếp thứ 61. Từ đó, chỉ số CCHC của tỉnh đạt 79,54%, giảm hơn 4% so với năm 2017, đứng thứ 11 toàn quốc và thứ 2 nhóm B (các tỉnh có chỉ số từ 75% đến dưới 80%), sau TP. Hồ Chí Minh

Tuy nhiên, thứ hạng chung ở lĩnh vực tác động của CCHC đến sự hài lòng của người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương lại giảm đáng kể do bị trừ điểm ở 2 tiêu chí mức độ thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, kéo Khánh Hòa xuống vị thứ 61. Các trị số còn cho thấy, SIPAS chuyển biến rất đáng kể, kết quả CCHC của tỉnh được Bộ Nội vụ thẩm định xếp thứ 4, nhưng chỉ số điều tra xã hội học (lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh) lại khá thấp, xếp thứ 47. Phải chăng các cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh đã khắt khe hơn trong đánh giá công tác CCHC?  


Lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh ở top 10 cuối bảng. Với nhiều tiêu chuẩn ngặt nghèo như: trong năm không có cán bộ, công chức làm việc tại cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện bị khiển trách (0,25 điểm), không có cán bộ, công chức cấp xã bị cảnh cáo trở lên (0,25 điểm)…, Khánh Hòa không thuộc danh sách 12 tỉnh có điểm ở nội dung này. Một số chức danh lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm cũng chưa đủ tiêu chuẩn. Hai lĩnh vực: cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và xây dựng, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật chưa đạt kết quả khả quan. Nguyên nhân chủ yếu do kết quả lấy ý kiến cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành bị đánh giá thấp. Khánh Hòa cũng không đạt yêu cầu về tỷ lệ giảm số đơn vị sự nghiệp công lập, giảm biên chế so với năm 2015 và số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng phải ít hơn 50% số biên chế.


Ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, từ kết quả này, năm nay, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công. Trong đó, sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC còn rườm rà; triển khai hiệu quả, thực chất việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm; qua đó phấn đấu tăng chỉ số CCHC và tiếp tục nhận được sự hài lòng cao hơn của người dân.


NGUYỄN VŨ

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp