Nhiều năm qua, khu rẫy trên ngọn núi phía sau Nhà hỏa táng (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) bị biến thành nơi đổ trộm chất thải hầm cầu của nhiều đối tượng cá nhân, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hút hầm vệ sinh.
Tấp nập xả thải
Một ngày giữa tháng 6, chúng tôi đến nơi này để mục kích hành vi đổ trộm chất thải. Con đường đất chạy dọc ngoài bờ tường phía đông, phía bắc và phía tây của Nhà hỏa táng dẫn lên khu rẫy nơi chứa chất thải được san ủi khá rộng, việc đi lại rất thuận lợi. Song, chúng tôi lại phải luồn lách xuyên qua rừng cây bụi để tiếp cận các khu vực đổ chất thải theo hướng trên đỉnh núi xuống, bởi trên con đường này, chủ rẫy đã làm barrie chắn ngang, cạnh đó là lán trại luôn có một người đàn ông mắc võng nằm túc trực.
Ẩn mình trong lùm cây bụi từ lúc sáng sớm, đến khoảng 10 giờ, chúng tôi thấy một chiếc xe bồn loại lớn rồ ga vượt dốc hướng lên rẫy. Khi chiếc xe dừng trước barrie làm bằng bó dây điện, người đàn ông lớn tuổi từ trong lán trại đi ra, lấy thứ gì đó từ thanh niên phụ xe, rồi nhanh chóng tháo gác chắn để chiếc xe đi qua. Đến trước một miệng hố bên triền dốc, cách vị trí chúng tôi khoảng 50m, chiếc xe này dừng lại, thản nhiên dốc bồn đổ chất thải xuống hố, rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Giữa cái nắng buổi trưa, một thứ mùi kinh khủng xộc lên khiến chúng tôi cảm thấy choáng váng!. Từ thời điểm này đến khoảng gần 2 giờ chiều, chúng tôi tiếp tục ghi nhận thêm 4 chiếc xe bồn khác đến đổ chất thải vào những cái hố nằm rải rác trên triền núi. Và, cũng như chiếc xe trước, người đàn ông “canh trạm” đều nhận thứ gì đó từ các tài xế, phụ xe, rồi mới mở gác chắn.
Theo người dân quanh khu vực, tình trạng xe bồn đến đổ chất thải ở khu vực nói trên diễn ra cả ngày đêm và đã kéo dài từ nhiều năm qua.
Nhiều hệ lụy
Khoảng giữa trưa, trong lúc người đàn ông “canh trạm” xuống núi, chúng tôi mới có dịp quan sát toàn cảnh hiện trường các bãi chứa chất thải trên sườn núi. Và những gì được tận mắt chứng kiến khiến chúng tôi không khỏi rùng mình!. Từ lưng chừng núi trở xuống, vô số bãi, hố chứa chất thải được bố trí liền kề theo dạng bậc thang, trong đó có những hố nằm sát ranh khu rẫy về phía đông, ngay trên bờ taluy bên Quốc lộ 1. Ở khu vực này, ngoài một số hố mới được tạo nên dọc con đường đất là đang tiếp chứa lượng chất thải mới, số còn lại đã được trồng các loại rau như: rau muống, bồ ngót, bạc hà… Bề mặt toàn bộ khu vực trồng rau này trông khá khô ráo, nhưng khi bước chân lên cảm giác mềm nhão như bề mặt đầm lầy.
Lần theo đoạn đường đất mới được san ủi tiếp giáp phía tây Nhà hỏa táng lên hướng đỉnh núi, chúng tôi phát hiện thêm nhiều hố chứa chất thải và những hố mới được múc để chờ sẵn. Thậm chí có nhiều chỗ, chất thải được đổ trên triền dốc hay quanh các gốc xoài, gốc mít.
Với lượng chất thải hầm cầu rất lớn, tồn tại nhiều năm ở vị trí địa hình đồi dốc, không chỉ làm ô nhiễm bầu không khí mà mỗi khi trời mưa, nước thẩm thấu qua khu vực này chảy xuống mương thoát nước dọc Quốc lộ 1 cũng có màu đen, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cả khu vực rộng lớn. “Nhiều năm trước, khi trời mưa, nước ở con mương dọc quốc lộ chảy qua trước nhà tôi có màu đen, bốc mùi hôi thối, ban đầu tôi cứ nghĩ là nước thải do một cơ sở nào đó xả trộm. Nhưng khi lần theo ngược dòng, mới phát hiện nguyên nhân từ bãi chứa chất thải hầm cầu trên rẫy của ông Hai. Từ đó, chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên xã, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn”, một người dân thôn Lương Hòa cho biết.
Bên cạnh đó, chúng tôi được biết, lượng rau xanh trồng trên những bãi chứa chất thải ở khu rẫy nói trên cũng khá lớn, các thương lái đến tận nơi thu mua để bán ra thị trường. Chính vì thế, những người dân quanh khu vực biết chuyện, đều cảm thấy lo lắng về vấn đề này; đồng thời rất bất bình trước việc đổ chất thải ngay cạnh Nhà hỏa táng, bởi đó không chỉ là vấn đề môi trường mà còn ảnh hưởng tới yếu tố tâm linh!.
Sẽ xử lý triệt để
Trong vai chủ doanh nghiệp dịch vụ hút hầm vệ sinh đang tìm nơi đổ chất thải, chúng tôi tiếp cận ông chủ rẫy và được người này nhận ngay. “Các chú tìm đến tôi là đúng người rồi đấy!. Tôi làm dịch vụ này đã mười mấy năm rồi. Nếu xe nhỏ thì mỗi lần đổ, tôi tính 100.000 đồng, còn xe lớn hơn thì phải cho thêm. Nhưng các chú phải cam kết là chỉ đổ chất thải hầm cầu để tôi dùng làm phân trồng rau chứ không được đổ nước thải, chất thải gì khác. Hôm trước có người đến đổ nói là chất thải hầm cầu, nhưng thực chất là nước thải và bã bia nên làm rau của tôi bị chết rất nhiều”, người này nói và cho biết thêm, nếu chúng tôi muốn hạn chế nguy cơ bị cơ quan chức năng bắt quả tang thì phải đổ trong 2 khung giờ sáng sớm và chiều tối. “Nhưng khi các chú gần đến nơi thì gọi điện để tôi đến đi theo xe lên rẫy. Vì lỡ bị phát hiện thì tôi nói là chở phân lên để trồng rau”, ông này dặn thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, người chủ rẫy đứng ra tiếp nhận nguồn chất thải để thu tiền từ các xe hút hầm nói trên là ông Nguyễn Văn Đáo, thường trú phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Khu rẫy này thuộc đất rừng sản xuất, do ông Đáo đứng tên chủ sử dụng đất.
Ông Phạm Bá Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương cho biết: “Sau khi tôi tiếp nhận phụ trách lĩnh vực môi trường từ tháng 4 vừa qua, xã đã tăng cường tổ chức lực lượng kiểm tra, tuần tra và đã bắt quả tang 1 trường hợp đổ trộm chất thải ở khu vực nói trên, xử phạt 4 triệu đồng. Qua làm việc với chủ sử dụng đất, ông Đáo cho rằng ông bất đắc dĩ phải cho các đối tượng đổ chất thải lên rẫy của mình bởi ông bị các đối tượng này dọa đánh. Tuy nhiên, đối tượng đổ chất thải lại cho rằng, họ phải trả cho ông Đáo 200.000 đồng để được đổ một chuyến xe. Chúng tôi đang làm văn bản báo cáo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố, đề nghị xử lý hành vi hủy hoại tài nguyên đất và sử dụng đất không đúng mục đích, đồng thời thu hồi đất theo quy định của pháp luật”.
NHÓM PHÓNG VIÊN