Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, các ngành chức năng đã tăng cường biện pháp thu nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với những doanh nghiệp (DN) nợ kéo dài. Qua đó, đã buộc các DN phải thực hiện trả nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp chây ì
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trước đây, để thu nợ và hạn chế tình trạng nợ BHXH, ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở; nhiều đơn vị đưa ra cam kết trả nợ nên không xử phạt mà tạo điều kiện cho DN thực hiện trả nợ. Thế nhưng, các đơn vị này chỉ thực hiện trả được một vài tháng, sau đó lại tiếp tục nợ kéo dài. Điển hình như: Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Bách Việt Bavico International Hotel Nha Trang; Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 510, Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang… Bên cạnh đó, để buộc các DN phải thực hiện trả nợ và không dám nợ, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh lãi suất chậm đóng BHXH. Theo đó, các đơn vị, DN nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên bị tính lãi chậm đóng là 7,25%/năm… Tuy nhiên, những biện pháp đó cũng không mấy hiệu quả.
Để xử lý tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng áp dụng các biện pháp cương quyết trong thu nợ BHXH. Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng triển khai biện pháp cương quyết thu nợ bảo hiểm ở những đơn vị, DN cố tình nợ kéo dài. Mới đây, các ngành chức năng đã trực tiếp làm việc với 25 đơn vị nợ BHXH kéo dài từ 6 tháng trở lên với số nợ hơn 10 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, BHXH tỉnh đã thông báo rõ những sai phạm của các DN, cũng như hướng xử lý nếu không sớm trả nợ như: thu hồi giấy phép kinh doanh hoặc dự án, chuyển hồ sơ qua công an điều tra, xử lý...
Cương quyết thu nợ
Với những giải pháp đó, chỉ sau 2 ngày làm việc đã có 21 DN trả hết nợ. Có 4 đơn vị không hợp tác buộc các ngành chức năng lập biên bản vi phạm trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính gồm: Công ty Cổ phần Phạm Nguyễn Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (phường Tân Lập, TP. Nha Trang) nợ hơn 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Thiên Phúc Window (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) nợ hơn 132 triệu đồng; Công ty TNHH Điện lạnh Miền Trung (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) nợ hơn 311 triệu đồng; Công ty TNHH Anh Quân Nha Trang (phường Phước Hải, TP. Nha Trang) nợ hơn 249 triệu đồng. Đối với những đơn vị này, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu vẫn không thực hiện trả nợ thì các ngành chức năng sẽ củng cố hồ sơ chuyển Công an tỉnh tiến hành điều tra, xử lý người đứng đầu DN.
Trước đó, trong năm 2018, UBND tỉnh cũng đã giao các ngành chức năng áp dụng các biện pháp đôn đốc, thu nợ tại 732 đơn vị với tổng số nợ hơn 91 tỷ đồng. Bằng các biện pháp thu nợ, các ngành chức năng đã buộc 724 đơn vị nợ trả nợ hơn 72 tỷ đồng; tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 8 đơn vị với số tiền hơn 280 triệu đồng.
Ông Lê Hùng Chính cho biết, với những đơn vị làm ăn thua lỗ, không đủ sức nộp BHXH thì ngành chức năng đều tạo điều kiện để họ khôi phục sản xuất, từng bước trả nợ. Tuy nhiên, trong số đó có nhiều đơn vị, DN đã có lợi nhuận nhưng vẫn cố tình nợ BHXH của người lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.900 đơn vị, DN đang nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp từ 1 tháng trở lên với số tiền hơn 121 tỷ đồng. Trong đó, có 186 đơn vị, DN nợ từ 6 tháng trở lên với số tiền hơn 55 tỷ đồng. “Với thực trạng nợ BHXH vẫn còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng áp dụng các biện pháp đôn đốc, kiểm tra tại 90 đơn vị. Đặc biệt, chúng tôi sẽ củng cố hồ sơ để chuyển Công an tỉnh tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Chính cho hay.
PHÚ AN