Cua Cà Mau, bánh cuốn Hà Nội, chả cá Nha Trang, khoai lang ngào đường Quảng Ngãi... được quảng cáo hàng ngày trên nhóm cư dân chung cư của Nguyễn Thị Trà Giang (27 tuổi, sinh sống tại một chung cư ở TP Thủ Đức).
Hơn một tháng qua kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại TP.HCM, Trà Giang không cần lo lắng chuyện ăn uống, xếp hàng mua bán hay phải trữ đồ ăn. Cô chỉ cần nhắn tin cho hàng xóm.
Trong bối cảnh thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Trà Giang lại càng tin tưởng những "gian hàng" này bởi không muốn đến siêu thị tập trung đông người.
"Tôi thấy mua hàng thông qua các bạn trong chung cư rất tiện lợi, vừa được ship đến tận cửa nhà, vừa là cách ủng hộ lẫn nhau trong giai đoạn dịch bệnh", Giang nói.
Mua bán nhưng không gặp mặt
Chia sẻ với Zing, Trà Giang cho biết thường xuyên mua rau củ, trái cây và thuỷ hải sản thông qua những người hàng xóm cùng toà nhà. Cô được giới thiệu đây là thực phẩm gửi từ quê lên thành phố, không chỉ tươi ngon mà còn không có thuốc trừ sâu, chất bảo quản.
Trà Giang thường xuyên mua thực phẩm trong chung cư trong giai đoạn giãn cách xã hội. |
"Từ thời điểm các nhà xe liên tỉnh phải tạm dừng hoạt động, dường như các anh chị trong chung cư bán ít đồ hơn. Nhưng chỉ cần thấy mọi người bán là tôi sẽ đặt ngay, trong tình hình này tôi rất ngại ra đường", Giang tâm sự.
Sau khi đặt hàng và chuyển khoản, Giang chỉ cần ở nhà chờ. Người bán biết căn hộ của cô, chủ động treo đồ trên tay nắm cửa rồi rời đi, một lúc sau Giang mới chạy ra nhận hàng.
"Ngày trước các anh chị ship hàng xuống tôi vẫn ra mở cửa để cảm ơn, nhưng giờ đành chịu. Tất cả đều phải chủ động bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và người khác", Giang nói.
Cũng giống như Trà Giang, Trần Lê Phương Linh (23 tuổi, sinh sống tại một chung cư ở quận 10) cũng thường xuyên đặt hàng qua những "gian hàng" chung cư. Tuy nhiên, cô không mua thực phẩm tươi sống mà chỉ gọi thức ăn đã chế biến sẵn.
Trong giai đoạn không thể đến nhà hàng và gọi giao đồ ăn như thường lệ, đây là cách để Linh đổi bữa hoặc "cứu đói" mỗi khi bận rộn.
"Tôi mới chuyển tới chung cư này 2 tháng, cách đây vài ngày đã tìm thấy nhóm chợ của cư dân trên mạng xã hội. Thấy mọi người bán nhiều thứ, tôi đặt thử vài hộp bánh ngọt từ một chị hàng xóm để nhâm nhi trong những ngày giãn cách", Linh kể.
Thuỷ hải sản được bán trên "chợ" chung cư. |
Phương Linh cho biết hầu hết sản phẩm bán trong chung cư đều do cư dân tự tay nấu nướng nên chất lượng, thời gian giao hàng khá đảm bảo.
"Bánh trái đều do các chị tự làm tại nhà nên tôi thấy yên tâm. Tôi thanh toán trước qua ví điện tử, các chị mang bánh xuống đặt tại bàn giao nhận. Khi các chị lên nhà, mới đến lượt tôi xuống lấy. Đều là người trong khu dân cư cả nên ai cũng biết quy định phòng dịch chung. Do không phải tiếp xúc với người bán nên tôi thấy không lo lắng gì", Linh nói.
Thực phẩm thiết yếu đắt hàng, trà, cà phê ế ẩm
Nhu cầu mua thực phẩm gia tăng, những người bán cũng trở nên tất bật hơn. Chị Nguyễn Hồ Tuyết Hương (32 tuổi, sinh sống tại một chung cư ở quận Bình Thạnh) mỗi ngày đều dậy từ 4-5h. Ngoài việc chuẩn bị bữa sáng cho gia đình nhỏ, chị làm thêm 70-100 phần ăn mỗi ngày, đem bán cho cư dân cùng chung cư.
Chị Hương mỗi ngày làm 70-100 suất ăn bán cho cư dân hàng xóm. |
Chia sẻ với Zing, chị Hương cho biết mình nảy ra ý tưởng bán các món ăn vặt đơn giản, giao tới các hộ dân trong khu chung cư sau khi nghỉ sinh con. Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát, chị phải giảm số suất ăn mỗi ngày do gặp khó khăn khi đi chợ.
"Đợt này, tôi chỉ dám nấu vài món vì không mua được đủ nguyên liệu nấu nướng. Lời lãi không đáng kể, nhưng tôi vẫn cố duy trì để có thêm thu nhập, phục vụ nhu cầu ăn uống của anh chị em hàng xóm", chị kể.
Trước đây, chị Hương luôn tự mình giao hàng tới các căn hộ nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển. Hiện tại, việc chủ động giao hàng này lại càng phát huy tác dụng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Mỗi lần đi giao hàng, chị đều đeo găng tay, khẩu trang cẩn thận và đặt đồ ăn ở bàn giao hàng trước sảnh chung cư để cư dân tự xuống lấy.
"Mỗi lần giao hàng, tôi yêu cầu khách chuyển khoản trước, đảm bảo quy tắc 5K. Dịch căng thẳng như vậy, bản thân tôi cũng lo lắng lắm", chị bày tỏ.
Chị Hạnh (bên trái) nhận khá nhiều đơn đặt hàng bánh ngọt mỗi ngày. |
Tương tự người hàng xóm, chị Lê Hồng Tuyết Hạnh (33 tuổi) cũng bắt đầu làm đồ ăn bán cho cư dân cùng chung cư cách đây 3 tháng. Trước đó, tiệm ăn gia đình của chị mở ở quận 2 đã phải tạm đóng cửa theo quy định phòng dịch.
“Không thể đón khách tại quán hay bán mang về, tôi và chị gái quyết định làm đồ ăn tại nhà, bán cho dân cư để trả tiền thuê mặt bằng. Tôi chủ yếu bán vài món ăn sẵn nên được khá nhiều hàng xóm thân quen ủng hộ trong mùa dịch", chị nói.
"Việc nấu nướng đều do gia đình tôi tự tay thực hiện nên chỉ có thể làm với số lượng vừa phải. Ngày hôm qua, tôi nhận khoảng 6-7 đơn đặt bánh ngọt, còn đồ nấu sẵn khoảng 6-8 đơn", chị tâm sự.
Nếu như những thực phẩm thiết yếu khá đắt hàng thì những mặt hàng phục vụ ăn uống giải trí khác như trà, cà phê lại khá ế ẩm.
Chị Quyền chuẩn bị cà phê để bán cho khách. |
Chị Hồ Ngọc Quyền (30 tuổi, sinh sống tại một chung cư ở thành phố Thủ Đức) mỗi ngày chỉ bán được 3-6 chai cà phê. Trước khi đợt dịch mới bùng phát, chị Quyền mở một tiệm cà phê nhỏ, mỗi ngày bán được 60-70 chai. Giờ đây chị bán cho cư dân cùng tòa nhà để phần nào duy trì thu nhập.
"Khi cố gắng tìm cách duy trì kinh doanh nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định của nhà nước, tôi nghĩ ra hình thức bán cà phê đóng chai dùng tại nhà cho người dân cùng chung cư. Nhưng mỗi ngày tôi đều bán không được nhiều, chủ yếu là bán để có việc làm thôi chứ thực tế so với bán ở tiệm thì chỉ bằng 1/10", chị Quyền chia sẻ.
Cũng giống như cách giao hàng của chị Hương và chị Hạnh, chị Quyền cũng yêu cầu khách thanh toán trực tuyến trước rồi mang cà phê đặt tại quầy lễ tân dưới sảnh. Việc này giúp cả chị và người mua hạn chế tiếp xúc, đảm bảo quy định phòng dịch.
"Giờ đây tôi chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để những người bán hàng như chúng tôi có thể mở tiệm trở lại. Các bạn nhân viên của tiệm tôi cũng không có việc làm khá lâu rồi", chị nói.
Tối 8/7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết trong Chỉ thị 10 đã cấm việc ăn uống tại chỗ. Theo chỉ thị mới, chủ thể là người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.
Ông Dương Anh Đức cho biết thành phố đang ở một giai đoạn khó khăn, mỗi người phải hy sinh một chút. "Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo thành phố rất cân nhắc. Ví dụ như cá nhân tôi cũng rất cần. Tôi, bà xã và con đều làm suốt ngày nên thường về muộn. Nếu có dịch vụ như vậy rất tiện lợi cho mình", ông chia sẻ.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều hàng quán, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.
Siêu thị 0 đồng online dành cho 5.500 sinh viên kẹt lại ở TP.HCMBan tổ chức cho biết hình thức gian hàng online vừa phù hợp với đặc tính am hiểu công nghệ của giới trẻ, vừa giúp các bạn sinh viên có đủ nhu yếu phẩm để sinh hoạt trong mùa dịch. |