Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Khơi dậy thế mạnh địa phương

Thứ năm - 15/07/2021 14:38
Qua 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), doanh thu và lợi nhuận các sản phẩm OCOP tăng so với trước đây. Trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện theo chủ đề từng năm.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Khơi dậy thế mạnh địa phương
Qua 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), doanh thu và lợi nhuận các sản phẩm OCOP tăng so với trước đây. Trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện theo chủ đề từng năm. 
 
 
 
Dưa lưới Ô Xanh là một sản phẩm OCOP của huyện Khánh Vĩnh.
Hội đồng OCOP tỉnh kiểm tra các sản phẩm tham gia chương trình OCOP năm 2020.
 
 
Nhiều sản phẩm được chứng nhận 
 
Một số mục tiêu của chương trình OCOP tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025: Có ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia; xây dựng mới ít nhất 50 sản phẩm từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; phát triển mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế OCOP. Đến năm 2025, huy động 50 - 60% nguồn lao động nông thôn tham gia hệ thống OCOP; sản phẩm từ nông nghiệp tiên tiến, thủy sản, du lịch, dịch vụ nông thôn đóng góp 65 - 70% tổng sản phẩm hàng hóa của địa phương. Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 412 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 160 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các chủ thể tham gia OCOP.
Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn, giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh có 26 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Nhờ đó, các sản phẩm tiếp cận được nhiều kênh phân phối hơn, nhất là các siêu thị; doanh thu của các sản phẩm OCOP cấp tỉnh tăng so với trước đây. Cụ thể, tổng doanh thu của 26 sản phẩm OCOP đạt 7,5 tỷ đồng/năm, tăng 15% và lợi nhuận bình quân đạt 700 triệu đồng/năm, tăng 10% so với trước khi tham gia Chương trình OCOP. 
 
Các sản phẩm OCOP được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, xúc tiến thương mại. Từ năm 2018 đến2020, Sở Công Thương đã tổ chức 21 hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh, các lần tổ chức này đều dành 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Năm 2019 và 2020, các sản phẩm OCOP của Khánh Hòa đã tham gia gian hàng triển lãm Festival OCOP tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; tại phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm năm 2020 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức)... Năm 2019 và 2020, kinh phí dành cho OCOP Khánh Hòa hơn 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước gần 11 tỷ đồng, còn lại là đối ứng của các chủ thể.
 
Theo ông Huỳnh Quang Thành - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, do chương trình mới nên việc thực hiện ở một số thời điểm còn lúng túng, cán bộ quản lý, cán bộ OCOP các cấp còn thiếu kinh nghiệm; nhận thức về chương trình OCOP của cơ quan, ban, ngành, địa phương, chủ thể sản xuất chưa đầy đủ; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; nhóm sản phẩm tươi sống, thô, sơ chế tham gia chương trình vẫn còn nhiều (chiếm khoảng 35%). Đây là nhóm sản phẩm chưa chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp nên không khuyến khích nhiều. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất sản phẩm còn rất hạn chế; nhiều sản phẩm chưa quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu.
 
Mỗi năm một chủ đề
 
Theo đề án thực hiện chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 của UBND tỉnh, chương trình OCOP sẽ tập trung thực hiện theo chủ đề cụ thể cho từng năm.
 
Trong đó, chủ đề của năm 2021 là “Ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn lực cho OCOP” với nhiệm vụ xây dựng các dự án thành phần của đề án; tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới phát triển sản phẩm mới và nâng cấp sản phẩm hiện có. Năm 2022, chương trình tập trung vào việc “Củng cố tổ chức kinh tế, phát triển sản phẩm theo chuỗi gắn với du lịch cộng đồng”. Với chủ đề này, OCOP hướng các chủ thể vào việc tập trung củng cố, nâng cao năng lực tổ chức, vận hành như: Chuẩn hóa quy trình sản xuất, nhà xưởng, năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu… Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm gắn với du lịch, phục vụ trải nghiệm của du khách.
 

 

Dưa lưới Ô Xanh là một sản phẩm OCOP của huyện Khánh Vĩnh.
Dưa lưới Ô Xanh là một sản phẩm OCOP của huyện Khánh Vĩnh.
 
 
Năm 2023, chương trình sẽ tập trung “Phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ cơ bản đến tiên tiến và truy xuất nguồn gốc chất lượng”. Mục tiêu sản phẩm tham gia OCOP được hoàn thiện, chuẩn hóa đáp ứng đầy đủ quy định của Nhà nước khi lưu thông hàng hóa, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của thị trường. Đây là bước tạo tiền đề để năm 2024, chương trình thực hiện “Ứng dụng giải pháp số (công nghệ 4.0) trong sản xuất, thương mại sản phẩm”. Khi đó, sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh được định hình và vận hành theo mô hình chuỗi; đẩy mạnh thương mại điện tử trên các nền tảng công nghệ, gian hàng thương mại điện tử. Năm 2025, chương trình có chủ đề “Giám sát, đánh giá, tôn vinh sản phẩm và thương mại quốc tế”. Đây là lúc cơ chế giám sát, đánh giá được thực hiện chặt chẽ nhằm bảo đảm sản phẩm OCOP tuân thủ đúng các tiêu chí đã đặt ra cũng như tuân thủ các quy định hiện hành. 
 
Được đánh giá là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, mục tiêu mà chương trình OCOP tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến là phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định; hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm trọng tâm là các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh, quốc gia để vươn ra thị trường trong và ngoài nước.
 
HỒNG ĐĂNG
 
 
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp