A đây rồi Hà Nội 7 món

Thứ năm - 15/07/2021 14:38
Hà Nội nhiều chợ. Những chợ to nhất được xây cất lại, lên tầng là Trương Định, Hàng Da, Ngã Tư Sở.
A đây rồi Hà Nội 7 món

Loại nhỏ hơn, bán thực phẩm là chính, vẫn lụp xụp cổ lỗ kiểu truyền thống là Hàng Bè, Bưởi, Khâm Thiên, “Âm phủ”, Cao Thắng, xung quanh có các vệ tinh như chợ “xanh”, chợ trời, chợ cóc, đuổi chỗ này nhảy sang chỗ khác họp.

Lại có những chợ “tự giác” hình thành, vô lý đến quái đản mà tồn tại bất chấp chỉ thị, nghị quyết của thành phố, sự ra tay của phường quận, sự ầm ỹ của báo chí.

Đó là “lò” thuốc tây (nhiều loại kích dục) của dăm chục người mù ở Hàng Chiếu, trong khi dược sĩ chính hiệu đi bơm xe, rửa bát, “lò” gái “bán hoa” ban đêm quanh hồ Thiền Quang... Người ưa may rủi có thể đến chợ thơ đề họp cạnh nhà xuất bản Ngoại văn đường Trần Hưng Đạo, mua đôi câu thơ rõ bí hiểm, về “khéo” giải “liền” trúng số.

Sach A day roi Ha Noi 7 mon anh 1

Hà Nội nghìn lẻ một chuyện chợ, xin dạo kỹ hơn ở Đồng Xuân - “cái bụng” của thành phố, và chỉ kể chuyện trong vài tháng gần gần thôi.

Vị trí của Đồng Xuân ở Hà Nội có thể so với Bến Thành, Bình Tây ở Sài Gòn - Chợ Lớn, chợ Đồng Đăng ở Lạng Sơn, chợ Đông Ba Huế, chợ Rồng Nam Định, chợ Cồn Đà Nẵng hay chợ Đầm Nha Trang.

Lượng hàng hóa trao đổi ở đây lớn hơn bất kỳ trung tâm thương nghiệp nào trong thành phố, dù là quốc doanh hay tư nhân. Được xây cất đã ngót thế kỷ, chợ Đồng Xuân là một trong những biểu tượng của Hà Nội, cùng với chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Năm 1990, thành phố khởi công xây chợ mới trên nền hai chợ Đồng Xuân - Bắc Qua cũ, kinh phí hoàn toàn do tư thương và 18 đơn vị quốc doanh đóng góp. Nhà nước không phải bỏ vốn tị tẹo nào, chỉ đứng ra làm. Các hộ buôn góp từ 6,5 đến 21,7 triệu đồng (thời điểm đầu năm 1990) tùy theo diện tích, vị trí kinh doanh sau này (bình quân hơn 10 triệu và được miễn lệ phí đất trong sáu năm).

Thời gian làm khoảng một năm, kể là nhanh nhưng mới mùa mưa đầu tiên đã dột, ngấm, bộc lộ nhiều bất tiện khi khai thác. Ngày 2/2/1991, chợ mới khánh thành, không phải là theo thiết kế được giải nhất trong cuộc thi các đồ án chợ, tạo ra tiếng xầm xì.

Với 28.000 m2 sử dụng, “cái bụng” to hơn trước rất nhiều. Tầng một bán hàng cồng kềnh, nặng như nông sản, thực phẩm, đồ nhựa, kim khí, hoa quả khô, mây nan tre, “la ghim”, cây cảnh cá vàng, dưa cà... Dịch sang bên Bắc Qua là đường mật, hương nến, bánh kẹo, da bạt.

Trong 525 ô sạp mỗi chỗ 3 m2 còn 50 chỗ chưa có người thuê. Đây là nơi người mua lẻ ít nhiều còn lui tới, đi lại tấp nập và tất nhiên, nặng “mùi chợ”. 729 sạp ở tầng hai (còn trống 45 ô) bán vải sợi, quần áo may sẵn, tạp phẩm, hàng điện máy.

Tầng ba vắng như “chùa Bà Đanh”, thường thường chỉ có bẩy tám chục hộ họp, chủ yếu bán vải sợi, quần áo, tạp phẩm. Không mấy ai lên đây mua hàng, dù đã dồn cả 420 hộ buôn quần áo từ Nguyễn Thiện Thuật vào. Một mợ chửa vượt mặt phô “Em lên đây ngủ từ sáng đến chiều vừa mát vừa tĩnh”.

Thời buổi làm ăn kinh tế khó khăn, nhiều xí nghiệp tư nhân tan rã, đơn vị quốc doanh thì ít vốn, nên 41 văn phòng làm sẵn trên tầng ba chưa ma nào thuê, cứ đóng cửa khóa lại. Riêng một trong hai tiệm làm đẹp lại khá đắt hàng, các bà các cô bên dưới ế ẩm leo lên gội đầu, sơn phết, ngắm vuốt giết thời giờ được lắm.

Ngôi chợ mới tạo ra mâu thuẫn giữa người buôn bán và bên thu thuế. Nhà nước không mất đồng vốn nào, chỉ đứng ra làm, mỗi tháng thu 220 đến 225 triệu đồng thuế, gấp rưỡi ngày trước.

Nhưng số tư thương từ 1.200 hộ ở chợ cũ tăng lên 2.000 hộ, mức thuế từ 120.000 đến 500.000 đồng. Bâu vào nhiều thì cạnh tranh gớm, ai ngồi tầng ba “coi như chết rồi”. Trước đây giành được chỗ ngồi ở đây trong mươi năm đã có thể xây nhà lầu, nay lời lãi ít hơn, họ không mấy hăng hái trong cuộc chen chúc.

Sach A day roi Ha Noi 7 mon anh 2

Chợ Đồng Xuân.

[…]

Ngoài hoạt động kinh tế, chợ Đồng Xuân thực sự là một xã hội thu nhỏ. Ở đây có vài trăm cựu công chức ra ngồi, có người chỉ tiêu 3.000 đồng mỗi ngày. “Cung cấp” chè chén, thuốc điếu, sách (tình cảm, trinh thám), báo (chủ yếu là báo công an, thể thao, pháp luật) do hơn hai trăm trẻ - đa phần từ Hải Hưng lên - đảm nhận.

Sáng sáng, có những “chân gỗ” đi từng ô sạp biên chép nhu cầu điểm tâm của các bà chủ, theo đó xôi, bún, phở leo tầng đến tận mồm các vị. Nhưng xu hướng chắc dạ, bình dân đang lấn chiếm, bởi xôi vò chè đường đã biến mất, hàng bún thang bà Ẩm có tiếng là thế mà cũng phải ngưng.

Ngày Rằm, mồng một khắp nơi nghi ngút khói, bao nhiêu ô sạp là bấy nhiêu thần tài. Người bán rong hương hoa vàng mã tha hồ hái lộc. Sáng ra, kẻ “xấu vía” hoặc chỉ hỏi giá rồi bỏ đi không mặc cả thêm lời nào rất dễ bị chủ hàng cho “ăn” những thức không thể ăn được.

Tuần hương khai mạc một ngày làm ăn cũng là lúc những tiếng khấn (đôi khi có bài bản) rì rầm khắp chợ. Người buôn kiêng rất kỹ, đầu tháng ta không bao giờ ăn thịt vịt, có những thầy tướng rong nắm vững từng ngày kỵ của “thân chủ” để báo cho họ tránh kịp rủi ro.

[…]

Có người nói phố và chợ Hà Nội đang “Sài Gòn hóa”, vừa chính xác vừa không. Đúng là người Hà Nội đang hăng hái làm kinh tế cho bản thân sau ba mươi năm khó khăn dàn đều, ấm no san phẳng. Nhưng họ rất có ý thức giữ lấy cõi yên tĩnh, cách chơi riêng của mình.

“Chả cá Lã Vọng” của họ Đoàn, cách chợ Đồng Xuân chả mấy đỗi, dù khách nước ngoài tấp nập, vẫn giữ lại không gian, kiểu cách tiếp khách như thuở nào. Mùa đông đến sĩ tử Bắc Hà vẫn vui với chén chè, nhấp từng ngụm từng ngụm trong cái lạnh cay nghiệt xứ Bắc cũng là vậy.

Nguồn tin: zingnews.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp