Khi đời sống được nâng cao, ngày càng có nhiều người nuôi những loài cá biển đẹp để làm cảnh thì đã phát sinh công việc thuần dưỡng cá cảnh biển.
Thuần dưỡng cả… cá mập
Bước vào cơ sở thuần dưỡng cá cảnh biển của ông Nguyễn Tùng Linh (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang), chúng tôi như lạc vào thế giới muôn màu muôn vẻ của các loài cá cảnh. Dòng cá chim xanh có màu chủ đạo là xanh đen, trên thân có sọc vòng cung giống như những đường đồng mức; dòng cá chim sâu màu vàng tuyền tuyệt đẹp, vây như mái chèo, đầu nhọn như mũi tên; còn cá mó rồng nhiều màu sắc, thân lấm tấm chấm xanh…
Vốn là thợ lặn chuyên nghiệp, nhiều năm gắn bó với biển, ông Linh đã mở và làm Giám đốc Công ty Thủy cung xanh Nha Trang (đặt tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang). Công ty cung cấp nhiều đơn hàng cho các thủy cung trong toàn quốc, như: Thủy cung Nha Trang, Thủy cung Phú Quốc (Kiên Giang), Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội)… Nói về thuần dưỡng cá cảnh biển, ông cho hay, công việc quan trọng nhất là giảm áp cho cá. “Các loài cá thường sống ở độ sâu lớn, khi thợ lặn khai thác, chúng không kịp thích nghi khi bị đưa lên khỏi mặt nước, dẫn đến nổi bụng và không thể bơi được. Thông thường, thợ lặn chỉ cần lấy kim tiêm, chọc vào bóng cá xả một ít khí. Tuy nhiên, cách này cá chỉ sống được một thời gian ngắn. Thợ lặn nếu được đào tạo bài bản phải giảm áp theo cơ sở khoa học. Cá được cho vào các bình chứa và nâng dần từng nửa mét cho đến khi quan sát cá đã thích nghi mới kéo lên tàu”, ông Linh nói.
Đưa chúng tôi qua bể cá mập có 2 con cùng kích thước, ông Linh lấy mấy con cá tươi làm mồi nhứ nhứ. Lập tức 2 con cá mập bơi ngay tới đớp. Ông Linh giải thích: Cá mập là loài háu ăn, thích mùi tanh, mùi máu. Khi đưa về phải cho chúng nhịn đói ít nhất 3 ngày để kích thích chúng làm quen với thức ăn cung cấp. Trong bể lúc nào cũng có “cá thầy” - loại cá đã quen với việc ăn uống được con người cung cấp. “Cá thầy” cũng là cá mập, nhưng đã được thuần hóa tốt, không cắn nhau. Chính nhờ cá này giúp cho cá mập làm quen với điều kiện sống nhân tạo. Như hiểu được thắc mắc của chúng tôi, việc thuần dưỡng cá mập có được phép hay không thì ông Linh cho biết, đa số các loài cá cảnh biển nói chung, cá mập nói riêng đều được phép đánh bắt, nuôi dưỡng nhân tạo; chỉ một số loài bị cấm theo Công ước CITES (về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) như cá mập đầu trắng, cá mập búa...
Trong vai người đi mua cá cảnh biển về mở trang trại, chúng tôi tìm đến cơ sở của ông N.N.S ở phường Vĩnh Hòa (Nha Trang). Hỏi về cách thuần dưỡng cá cảnh biển, ông S. tỏ ra khá dè dặt, kiệm lời. Chỉ khi không khí đã cởi mở thân tình hơn, ông mới bật mí, bản thân từng “lên bờ xuống ruộng” khi chơi cá cảnh biển, từng mất nhà vì nhiều đợt cá chết, mua lầm… nên cũng ngại chia sẻ.
Tạo dòng đột biến
Cơ sở cá giống của Công ty TNHH Sản xuất và Ứng dụng công nghệ thủy sản VINA tại thôn Khánh Nhơn (xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) đầy những bể kính nuôi cá cảnh Nemo (một loại cá hề). Đây là cơ sở phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang sản xuất cá khoang cổ Nemo theo hợp đồng sản xuất thương mại hóa cá cảnh Nemo quy mô 5.000 con/đợt. Thạc sĩ Hồ Sơn Lâm - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển, Viện Hải dương học Nha Trang đã đưa chúng tôi vào nơi cá Nemo sinh sản. Nhìn qua lớp kính dày, cá bố mẹ được ghép đôi tung tăng, thấp thoáng sau những chậu đất nung khoét đáy, mô phỏng nơi sinh đẻ của loài cá này ngoài tự nhiên. Ông Lâm cho hay, trại đang tạo dòng đột biến cho các dòng có giá trị, như: Mocha Storm, Frostbite, Wyoming White, Misbar, Naked, Snowflake hay đầu trắng… Trong đó, cá Mocha Storm nhập khẩu có giá bán lên đến 1,7 triệu đồng/con. Đưa chúng tôi xem cây phả hệ của các dòng đột biến, ông Lâm nói: “Các loại cá đột biến ghép với nhau hi vọng tạo được dòng đột biến mới nhiều hơn so với những dòng không đột biến. Cá đột biến sẽ có giá bán cao hơn nhiều”. Ông Lâm cũng thông báo tin vui, trại vừa tạo ra một dòng đột biến mới chưa định danh, tạm đặt tên là Nemofarm VN, chào giá sỉ 600.000 đồng/con…
Liên quan đến việc thuần dưỡng cá cảnh biển, ông Lâm cho biết, cá đánh bắt ngoài tự nhiên có khi bị xây xát do đánh lưới, một số trường hợp có thể bị đánh bắt bằng xyanua. Những con cá như vậy trước khi đưa vào bể trưng bày sẽ phải xử lý. Cá trầy xước được điều trị bằng kháng sinh, thuốc nấm…; cá bị ngộ độc xyanua thì giải độc. Tùy từng trường hợp và biểu hiện của cá mà quá trình điều trị có kéo dài từ vài ngày đến vài tuần… Thông thường, thương lái có thể bán nhanh, bán rẻ những lô hàng như vậy. Tuy nhiên, cá sau khi được xử lý và tập cho ăn thức ăn chủ động sẽ có giá bán cao hơn.
Cần có chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi
Trong quá trình thực hiện bài viết này, nhiều cơ sở thừa nhận với chúng tôi, cá cảnh biển ở vịnh Nha Trang đã suy giảm nghiêm trọng. Hiện tại, các cơ sở thu mua, khai thác ở vùng biển xa. Ông Linh cho biết, hiện nay, đội tàu lặn khai thác cá cảnh biển của công ty ông phải đi xa bờ, đến các vùng biển như Trường Sa, đảo Phú Quý (Bình Thuận), đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)… mới có nguồn khai thác.
Ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang cho biết, hầu hết các loài cá cảnh biển trong vịnh Nha Trang đã giảm đáng kể sau khi các rạn san hô bị suy thoái. Trong khi đó, việc khảo sát, bảo tồn các loài cá cảnh biển lại chưa được coi trọng. Còn ông Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho hay, hiện nay, chưa có tỉnh nào có chương trình điều tra nguồn lợi cá cảnh biển, một số tỉnh đang đặt ra vấn đề này. Riêng Viện Hải dương học Nha Trang đến nay chưa có đề tài tổng thể nào, chỉ có một số khảo sát ban đầu định hướng bảo tồn, phối hợp với các ngành thả cá phóng sinh ra biển. Viện đang triển khai thương mại hóa một số loài có giá trị kinh tế như cá hề Nemo.
Ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, về lâu dài, rất cần một chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi cá cảnh biển làm cơ sở cho phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch, công nghiệp giải trí mà TP. Nha Trang có thế mạnh…
Theo giới chơi cá cảnh biển, cá cảnh biển có nhiều dòng, nhiều loài với nhiều mức giá khác nhau. Ví dụ như: cá thia chỉ vài chục ngàn đồng/con; cá hề 70-80 ngàn đồng/con; các loài thuộc họ hoàng gia hay bông bi, giá 500-600 ngàn đồng/con; cá mập vi trắng 10-15 triệu đồng/con, cá mập vi đen 30-35 triệu đồng/con… |
Vĩnh Lạc