Sau ngày đất nước thống nhất, ông vừa tay cuốc, tay cày, vừa viết văn. Tập truyện ngắn Chuyện đời được ông trình làng năm 2004, do Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa phát hành. Và rất đều đặn, hai năm một lần, ông ra mắt công chúng những tập truyện: Mưa lạ, Quế, Truyện cũ, Phố nhỏ đèn vàng, Người đi, Đẹp và ảo.
Đọc truyện ngắn Lê Văn Thiện, người đọc bắt gặp một văn phong giản dị, bố cục không gian rất gần gũi với đời sống nông thôn. Nhân vật trong truyện của ông có thể là bác nông dân thật thà, cô gái quê lên tỉnh, chàng trai lực điền hiền lành, bà mẹ quê lam lũ… Chẳng hạn truyện ngắn Con kiến bò trong tai, qua bút pháp tả chân, nhẹ nhàng mà thấm thía, Lê Văn Thiện kể về một thời nghèo khó của làng Ninh Lâm, xã Vạn Khánh. Đấy là một làng Ninh Lâm heo hút, nhà dân thưa thớt. Tuy nhiên, đến năm 2000, làng nghèo đã “phình to ra, gấp ba ngày trước. Nhà cửa san sát, khang trang, xe máy dập dìu. Những con đường lớn được tráng xi măng sạch đẹp. Con đường trước quán cà phê này, hồi đó, vào mùa mưa nước dâng đầy, chúng tôi phải cởi quần vắt cổ lội bì bõm”. Trong truyện của ông, cảnh huống, ngôn ngữ bình dị trong quan hệ kết hợp cũng như liên tưởng, làm cho người đọc dễ dàng nắm bắt nội dung chủ đề.
Cánh chim văn chương đầu đàn Vạn Ninh chưa biết mỏi. Đường bay vẫn đang lặng thầm mở ra trên vùng đất Vạn Ninh qua sắc màu ngữ cảnh hiền lành mà sâu sắc về một góc cảm thụ rất Lê Văn Thiện.