Tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện mẹ kể về bác Hồ, Bác đã lãnh đạo nhân dân đánh Pháp, đuổi Nhật giành lại độc lập tự do cho dân tộc, đem lại cơm ăn áo mặc cho dân nghèo; nào là thương yêu trẻ con, kính trọng người già… Cứ như thế, những câu chuyện về Bác đã in đậm trong ký ức tôi. Nhưng có lẽ cả cuộc đời tôi không thể nào quên được kỷ niệm khi được về thăm quê Bác - làng Sen. Chị hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến nơi Bác đã cất tiếng khóc chào đời, nơi Người sống những năm tháng thiếu thời dưới mái tranh quê cùng những người thân yêu. Với chất giọng miền Trung nhẹ nhàng mà truyền cảm, sâu lắng mà trữ tình, đằm thắm mà da diết, giọng đọc đều đều của chị hướng dẫn viên như một thước phim quay chậm, đã đưa mọi người như quay ngược trở lại năm 1957, cùng Người trở về với làng Sen - mảnh đất nghèo đã sinh ra và nuôi dưỡng một tâm hồn và một nhân cách mang tầm vóc thời đại.
Buổi sáng ngày tháng Sáu ấy, trời nắng chan hòa. Những tia nắng ấm áp như reo vui cùng với mọi người đang cuồn cuộn đổ về Nam Đàn - Kim Liên chào đón Bác Hồ. Bác kia rồi! Trong bộ quần áo kaki bạc màu, đôi dép cao su mòn gót, Bác tười cười vẫy chào mọi người. Cả rừng người hò reo mừng đón Bác. Một đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An trịnh trọng mời Bác đi vào nhà khách mới được xây dựng cách đấy không lâu, nhưng Bác ngăn lại: “Tôi xa nhà, xa quê đã lâu, nay mới có dịp trở về, tôi phải về thăm nhà tôi trước đã. Nhà tiếp khách là dành cho khách, tôi có phải là khách đâu”. Nói rồi Bác rẽ đi về lối nhà mình. Đến trước chiếc cổng tre dẫn lối đi vào nhà ngang, thấy hàng chữ ghi trên tấm bảng nhỏ “nhà Bác Hồ”, Bác quay lại bảo với mọi người - Đây là nhà cụ Phó Bảng chứ có phải nhà của Bác Hồ đâu!
Bác đứng tần ngần, nhìn bao quát hai ngôi nhà, sân vườn. Khi nghe tiếng người cán bộ hướng dẫn mời Bác đi vào nhà, Bác ngập ngừng trong vài thoáng rồi thong thả đi dọc theo hàng rào bước đến góc vườn rẽ phải, đi thẳng vào sân. Bác dừng lại giữa sân, chỉ cho mọi người xem đâu là nơi trồng cây ổi, chỗ nào có cây thanh yên đã mọc trên mảnh vườn xưa của nhà Bác. Bác đi vào nhà lớn, đi hết 5 gian, đi đến đâu Bác chỉ cho mọi người vị trí đặt, để các đồ vật theo ký ức của Người, chiếc võng đay được mắc ở đâu, cái rương gỗ đựng thóc kê ở vị trí nào, cái tủ hai ngăn đựng chén bát được đặt ở đâu… Xuống nhà ngang - nơi ngày trước dùng để nấu nướng và để đồ, Bác lại đi ra sân, ngắm lại ngôi nhà đã gắn bó một giai đoạn rất quan trọng trong cuộc đời Bác. Ngôi nhà này là nơi ghi dấu những cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước thương dân, về nhận thức xã hội và ghi dấu những hoạt động cứu nước của Người.
Đã 50 năm trôi qua, những ai vinh dự được có mặt trong giờ phút thiêng liêng của buổi sáng 14-6-1957 hẳn không quên lời Bác: “Tôi xa quê đã năm mươi năm rồi. Thường tình người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng tủi tủi. Nhưng tôi không tủi mà chỉ thấy mừng. Bởi, khi tôi ra đi, nhân dân ta còn bị nô lệ, bị bọn phong kiến đế quốc đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân được tự do”. Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
Giọng kể của chị hướng dẫn viên đã ngưng nhưng cả đoàn ai nấy đều im lặng. Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người đều muốn giữ cho riêng mình những hình ảnh đẹp về Bác. Câu chuyện của Bác về thăm quê cứ như thế được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đối với tôi, đó sẽ mãi là một ký ức đẹp, sẽ mãi là những câu chuyện cổ tích của mẹ như một bài học làm người đã đưa tôi vào giấc ngủ năm xưa.
Bác thật giản dị, thật gần gũi và chân thành biết bao. Nặng lòng lo việc nước, việc dân nhưng trong sâu thẳm trái tim, Bác vẫn dành tình sâu nghĩa nặng đối với gia đình, quê hương. Hình ảnh quê hương luôn đau đáu trong lòng Bác, luôn là những gì thật thiêng liêng mà ấm áp biết bao. Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương… Yêu quê hương là thế, nhưng Bác phải rời xa miền quê yêu dấu ấy, cất trong tim tiếng mẹ hát ầu ơ, tiếng khung cửi chiều chiều lách cách, từng khuôn mặt, từng nụ cười tuổi thơ… để bôn ba xa xứ đi tìm chân lý cách mạng, đi tìm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau 50 năm xa quê, Người trở về quê hương với tất cả tấm lòng của một người con xa xứ, như một người được trở về với tiếng mẹ đưa nôi…
Hồng Minh