Sự ra đời của tác phẩm “Đường Kách mệnh” vô cùng khó khăn và là sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau nhiều cuộc vận động, kêu gọi các lãnh tụ, tổ chức cộng sản các nước, Quốc tế Cộng sản III... ủng hộ cách mạng giải phóng thuộc địa, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11-1924 tập hợp những người yêu nước thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ năm 1925 đến 1927, Người mở trường Huấn luyện Chính trị tại ngôi nhà 13-1 phố Văn Minh, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện được 3 khóa cho gần 100 thanh niên hội viên. Đầu năm 1927, các tài liệu, bài giảng của Người được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức tập hợp và xuất bản thành sách với tên gọi: “Đường Kách mệnh”, khổ 13x18, in qua giấy nến chữ viết ngược. Tác phẩm gồm 3 nội dung chính và cơ bản gồm 15 vấn đề là: những vấn đề lý luận chung về cách mạng xã hội; tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho cách mạng Việt Nam; xác định phương pháp tổ chức và hành động cách mạng.
Tác phẩm “Đường Kách mệnh” đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam những năm 20 của thế kỷ XX, trong việc kết hợp phong trào yêu nước với chủ nghĩa Mác - Lênin, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân 1930.
Tác phẩm là cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ cách mạng Việt Nam, và là tác phẩm chuẩn mực đạo đức của người cộng sản.
Trải qua gần 1 thế kỷ, qua nhiều giai đoạn cách mạng Việt Nam, tác phẩm “Đường Kách mệnh” vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp đổi mới hiện nay của đất nước ta…
PHẠM KHÁNH HỒNG