Vụ sạt lở núi 11 người chết: Trưởng thôn lo cho dân đã qua đời

Chủ nhật - 23/12/2018 04:44
Bà Cao Thị Diệu An (SN 1967, Trưởng thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, Nha Trang, Khánh Hòa), người trực tiếp vận động và tham gia di dời dân vùng sạt lở kinh hoàng xảy ra hôm 18.11, đã qua đời do nhiễm trùng quá nặng.

Bà Diệu An trút hơi thở cuối cùng tại BV Chợ Rẫy (TPHCM) vào lúc 17h ngày 21.12 và đang được gia đình lo hậu sự. Bà An là nhân vật trong bài viết " Trưởng thôn lo cho dân đang nguy kịch" đăng trên Lao Động (ngày 13.12).

Ít ai biết, bà An chính là người cùng các cán bộ cơ sở khác (gồm ông Nguyễn Đức Vinh - Bí thư chi bộ thôn; ông Lê Trương Vinh - Thôn đội trưởng; bà Võ Thị Hiền - Phó trưởng thôn,...) đã không ngại hiểm nguy, trực tiếp có mặt ngay tại khu dân cư Xóm Núi, thôn Thành Phát trước khi vụ sạt lở núi xảy ra, cướp đi 11 mạng người. 

Ông Hà Phạm - Phó Ban mặt trận thôn Thành Phát - cho biết, 5h sáng 18.11, thấy nước lũ xuống quá khủng khiếp, bà An cùng các cán bộ nói trên đã tức tốc đến khu dân cư Xóm Núi.

"Trong lúc nhóm cán bộ chạy chỗ này, chạy chỗ kia hô hoán người dân nhanh chóng di chuyển xuống đầu làng, tránh sạt lở thì vụ sạt lở núi xảy ra" - ông Phạm cho hay. 

Lúc này, hàng khối nước, đá, đất và cây cối tràn xuống, cuốn phăng cả 3/4 cán bộ, trong đó có bà An. 3 cán bộ này đều bị thương, trong đó, bà An bị thương nặng nhất (gãy tay trái, gãy xương sườn, thương tổn sâu vùng da mặt, bụng, ngực...). 

Bà Võ Thị Hiền cũng bị thương (trôi từ đầu làng đến cuối làng), nhiễm trùng mũi nặng, đang nằm điều trị ở BV Thống Nhất (TPHCM). Còn ông Nguyễn Đức Vinh bị nhiễm trùng bàn chân, đang nằm điều trị tại BV 87.

Riêng bà An, dù bị đất đá vùi lấp, nhưng 45 phút sau, người dân mới đưa được xuống đầu làng trong tình trạng mình mẩy tím đen, thương tích khắp nơi.

Trước đó, sau 20 ngày nằm điều trị ở BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không được cải thiện, gia đình phải chuyển bà An vào BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Chị Lê Thị Hồng Thùy (con dâu thứ 2 của bà An) từng cho biết: "Từ khi nằm viện đến nay, mẹ đã trải qua 5 lần mổ. Sau khi nhập BV Chợ Rẫy, gia đình phải trả chi phí ban đầu 18 triệu đồng". 

"Hiện mẹ tôi sốt liên tục, các vết thương tiếp tục bị hoại tử, ăn sâu. Mẹ tôi có thể phải nằm điều trị trong vài tháng, thậm chí có thể 1 năm trời nên cần chi phí điều trị lớn. Mẹ tôi đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng" - chị Thùy tâm sự. 

Bà An có thâm niên gần 7 năm làm phó, rồi trưởng thôn Thành Phát. Ngoài ra, bà còn kiêm cương vị Đại biểu HĐND xã, Ủy biên Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã Phước Đồng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Thành Phát, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Thành Phát.

"Do ở đây nhiều người dân làng chài không biết chữ nên trong quá trình làm việc, mẹ tôi luôn tận lòng với họ từ lá đơn đến con chữ. Gia đình khuyên mẹ tôi nghỉ vì sợ kham không nổi, nhưng mẹ vẫn một mực làm. Trong quá trình làm việc, mẹ còn hứng chịu nhiều điều tiếng, nhưng đó là do người dân hiểu sai chứ mẹ không tư lợi gì cho mình cả" - chị Thùy chia sẻ.

Tác giả bài viết: NHIỆT BĂNG
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp