Sau sự cố thiên tai nêu trên, UBND TP Cam Ranh đã bố trí 3 chiếc tàu vỏ gỗ đưa đón người dân trong hải trình bán đảo Bình Lập đến cảng Cam Ranh, nhưng nhiều người cho rằng hướng tuyến này bất tiện so với nhu cầu thực tế nên họ chọn phương tiện bè gỗ để “rút ngắn” thời gian và chặng đường đi lại.
Theo ông Nguyễn Văn Kết – Chủ tịch UBND xã Cam Lập, hai chiếc bè gỗ thủ công do hai người dân địa phương là Phạm Đức Huy và Văn Lê Thiện Nhân tự lắp đặt bằng sàn gỗ với một số phuy nhựa rồi sử dụng dây thừng kết nối bè gỗ với gốc cây, tảng đá to ở hai bên bờ suối để vận hành bằng tay của người điều khiển.
Lúc đầu họ kết bè để vượt suối Nước Ngọt phục vụ nhu cầu cá nhân, nhưng sau đó hàng trăm người dân, du khách cùng với cán bộ, giáo viên và học sinh ngược xuôi bán đảo Bình Lập mỗi ngày đều muốn vượt suối trên hai bè gỗ đó, nên chủ bè phải thực hiện dịch vụ vận chuyển. Ngoại trừ giáo viên, học sinh, người già và trẻ em được miễn phí, các đối tượng khác đều trả chi phí mỗi lượt 5.000 đồng, xe máy 10.000 đồng.
Mỗi ngày, hai bè gỗ nêu trên đưa đón hàng trăm lượt khách mà không dự báo những hiểm họa tai nạn có thể xảy ra khi người dân bất chấp cảnh báo của UBND TP Cam Ranh, cố tình từ chối đi lại trên 3 chuyến tàu vỏ gỗ đưa đón người dân trong hải trình bán đảo Bình Lập đến cảng Cam Ranh.
Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, chính quyền cùng các cơ quan chức trách đã khảo sát, lắp đặt cầu tạm ở gần hiện trường cầu bê tông đã sập đổ do mưa lũ để phục vụ nhu cầu đi bộ, xe máy, xe đạp cho hơn 300 hộ gia đình cư dân bán đảo Bình Lập. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dần – Giám đốc Sở GTVT Khánh Hòa cho hay, trong một cuộc họp gần đây, cơ quan này đã báo cáo và đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét, quyết định đầu tư xây dựng lại cầu bê tông kiên cố bắt qua suối Nước Ngọt, nối đất liền với bán đảo Bình Lập.