Vụ cả gia đình chết vì vỡ hồ chứa ở Nha Trang: Không khó qui trách nhiệm!

Thứ tư - 21/11/2018 21:44
Gia đình thầy giáo chết vì vỡ hồ chứa nước cao đến 60 mét phía trên khu dân cư. Thế nhưng, đến giờ này trách nhiệm vẫn treo lơ lửng!

Tôi thực sự ám ảnh trước 4 cáo phó dán liền nhau vào đúng những ngày cả nước tri ân những người làm nghề giáo. Cái chết quá đau lòng khi mà vợ chồng thầy giáo đều còn quá trẻ, hai con còn quá nhỏ. Cả gia đình họ chết oan uổng mà không kịp hiểu điều gì đã xảy ra.

Ngày hôm qua, chính quyền tỉnh Khánh Hoà lên tiếng khẳng định công trình xây dựng sai phép, không ai biết họ (chủ đầu tư) xây lên lúc nào. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường Vĩnh Hòa thừa nhận, khi xảy ra sự cố, địa phương mới biết là có công trình này. Địa phương không nắm được việc thi công, không biết thời điểm thi công, thi công họ cũng không báo địa phương. Nếu địa phương biết được vậy thì đã cương quyết di dời.

Còn  Phó Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hoà thì nói chủ đầu tư  có sai phạm nhưng “hằng ngày mình đâu có ở đó được” (!?).

Dân đã phải trả giá cho những tắc trách của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp bằng chính mạng sống của mình. Nhưng đến giờ phút này vẫn không có bất kỳ ai đứng ra chịu trách nhiệm khiến nhiều người bức xúc; Không thể để cái chết tức tưởi của một gia đình bị vùi lấp cùng bùn cát tội lỗi mà họ đã đã gây ra.

Trên nghị trường đã có Đại biểu Quốc hội bức xúc cho rằng “việc để một bao cát bỏ trong hẻm, việc đổi 100 USD ở tiệm vàng cũng nhìn thấy mà nhà cao tầng, biệt phủ, biệt thự xây trái phép nhan nhản mà không ai thấy”.

Vị đại biểu này đã nói rất đúng thực trạng quản lý xây dựng, đô thị, quản lý xã hội hiện nay ở nhiều nơi, nhiều lúc. Tôi xin kể một câu chuyện của chính bạn tôi. Chị gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì nhà của chị bị chính quyền ra quyết định cưỡng chế phá dỡ phần xây dựng sai phép. Chuyện là, gia đình chị vì thấy xung quanh người ta xây nhà cao 5-6 tầng không bị sao, thậm chí có cả những chung cư hàng chục tầng xây dựng sai phép mà vẫn được bỏ qua, trong khi nhà mình chỉ xây 4 tầng nên chắc càng không sao. Thế nhưng oái oăm thay, nhà chị vừa hoàn thiện thì bị đội thanh tra xây dựng ập đến lập biên bản, sau đó là Quận ra quyết định xử lý, buộc phải tháo dỡ phần mới xây dựng. Chị "đánh đu" với chính quyền bằng cách đòi hỏi: “các ông xử lý hết những công trình xung quanh thì tôi sẽ tháo dỡ nhà tôi”. Vụ việc xảy ra vài năm, dùng dằng mãi chưa giải quyết được, các công trình vi phạm thì vẫn nằm đó.

Chừng nào vẫn còn xử lý công việc theo kiểu “lớn bỏ qua bé bóp chặt” thì còn gây những bức xúc trong đời sống xã hội, còn khiến người dân nhờn luật. Lẽ ra, càng vụ việc lớn, càng công trình lớn thì càng phải tuân thủ nghiêm ngặt các qui định của pháp luật, nhưng thực tế thì ngược lại. Vì đâu lại như vậy? Những người nắm chức trách biết, dân biết, doanh nghiệp biết, nhưng chẳng ai nói ra. Khi nói về thực trạng này, một người có học vị cao đã bất lực thốt lên rằng “tôi nhìn thấy vấn đề nhưng không tìm ra giải pháp”.

Tai nạn có thể đã không xảy ra nếu trách nhiệm xã hội được đề cao, các cá nhân, tổ chức tôn trọng pháp luật. Đừng để cái chết của 4 người trong 1 gia đình trở nên vô nghĩa, trôi vào quên lãng hoặc chỉ bị xử lý qua loa để xoa dịu dư luận. Đừng để dân cứ phải chết oan vô nghĩa như vậy!./.

Tác giả bài viết: An Nhi/VOV.VN
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp