Tự tôn dân tộc

Thứ tư - 11/04/2018 22:32
Mới đây, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) có công văn yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Quảng cáo khi nhiều bảng hiệu quảng cáo trên địa bàn thể hiện hoàn toàn tiếng nước ngoài. Việc các chủ cửa hàng, cửa hiệu ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) và nhiều địa phương khác trên cả nước “lờ” tiếng mẹ đẻ, dù vô tình hay cố ý cũng cho thấy nhận thức lệch lạc, đánh mất lòng tự tôn dân tộc.

Mới đây Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) có công văn yêu cầu Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hòa chấn chỉnh tình trạng vi phạm Luật Quảng cáo khi nhiều bảng hiệu quảng cáo trên địa bàn thể hiện toàn tiếng nước ngoài mà không có chữ tiếng Việt. Việc các chủ cửa hàng, cửa hiệu ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) và nhiều địa phương khác trên cả nước “lờ” đi tiếng mẹ đẻ, dù vô tình hay cố ý cũng cho thấy mức độ báo động đỏ về nhận thức lệch lạc, đánh mất lòng tự tôn dân tộc.

Nói vậy không hề quá, khi mà chúng ta đều là con dân đất Việt nhưng nhiều người lại không tôn trọng tiếng mẹ đẻ, sính ngoại với nhiều nguyên nhân và mục đích khác nhau. Có người lập luận rằng, khách hàng là thượng đế nên nếu mặt hàng họ kinh doanh phục vụ chủ yếu cho người nước ngoài thì không cần in tiếng Việt. Cũng có người in biển hiệu quảng cáo toàn tiếng nước ngoài không có chữ tiếng Việt chỉ đơn giản là in “tiếng tây, tiếng tàu” cho nó sang, chứ cũng chẳng hẳn là coi thường tiếng Việt.

Nếu ai đã từng đi công tác nước ngoài, dù là “Tây” hay “Tàu”, Á, Âu hay Mỹ, hoặc từng xem nhiều phim nước ngoài, thì đều thấy sự tự tôn dân tộc của người dân các quốc gia đó thật mạnh mẽ. Dù tiếng Anh, tiếng Pháp là ngôn ngữ khá phổ thông trên thế giới, song trong các giao tiếp thông thường, trong các biển hiệu quảng cáo, người ta đều ưu tiên số 1 là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Vậy còn chúng ta thì sao? Ở nhiều tỉnh, thành phố lớn nhan nhản những biển hiệu quảng cáo rặt tiếng Hàn, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh... mà không có chỗ cho ngôn ngữ tiếng Việt.

Sự thật đó quả là rất đau lòng, song cũng không hẳn là tất cả các chủ hiệu đều thiếu lòng tự tôn dân tộc khi không in tiếng Việt trên biển quảng cáo. Với những người bất chấp tất cả, miễn là thu hút được nhiều khách, có lợi nhuận cao, ních tiền đầy túi thì thôi khỏi nói làm gì. Song, cũng có người do thiếu hiểu biết pháp luật, do chạy theo “mốt tây, tàu” cho sang thì có một phần trách nhiệm không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Nếu các cơ quan quản lý nhà nước làm tốt nhiệm vụ của mình thì làm sao có chuyện biển quảng cáo vi phạm vẫn “chềnh ềnh” trên mặt phố?

Tại Điều 18, Luật Quảng cáo quy định: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp đó là nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế bằng tiếng Việt. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt... Người dân có thể không biết luật, lẽ nào các cơ quan quản lý nhà nước cũng không biết quy định này?

Việc khá nhiều địa phương có thực trạng tràn lan các biển hiệu quảng cáo toàn tiếng nước ngoài thì phần lớn trách nhiệm là của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn. Một biển hiệu to đùng trên mặt phố, thậm chí là cả dãy phố đều treo biển hiệu rặt tiếng nước ngoài lẽ nào những người được giao nhiệm vụ quản lý lại không thể phát hiện được? Nếu đã phát hiện thì tại sao không xử lý, không yêu cầu dỡ bỏ làm lại cho đúng với quy định của pháp luật? Ở đây, dư luận cho rằng những người thực thi công vụ không chỉ thiếu sự tự tôn dân tộc, mà còn có dấu hiệu tiêu cực khi xử lý người vi phạm.

Vẫn biết các địa phương cũng phải chịu nhiều sức ép trong việc phải cân đối hài hòa giữa phát triển KT-XH, đẩy mạnh du lịch, dịch vụ... với tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật. Song, điều đó cũng không phải là lý do để bao biện cho việc buông lỏng quản lý, “mắt nhắm, mắt mở” dung túng cho vi phạm, thậm chí là nhấm nháy tiêu cực với các hành vi trái pháp luật. Luật không cấm in chữ nước ngoài trên biển quảng cáo, lẽ nào có thể “làm khó” cho cá nhân, tổ chức kinh doanh trong việc thu hút khách? Lẽ nào có thể khiến các địa phương thụt lùi trong phát triển KT-XH, không thể đẩy mạnh du lịch, dịch vụ?

Còn nữa, chắc không ít người nước ngoài cũng không cảm thấy thú vị khi mà đi trên một tuyến phố của Việt Nam nhưng lại toàn tiếng bản địa của họ. Đi du lịch là để khám phá cái mới mẻ, nét đẹp văn hóa của nước sở tại, vậy mà khi chụp ảnh post lên mạng xã hội thì người thân lại tưởng họ vẫn đang ở trong nước thì còn gì hứng thú. Đó là còn chưa bàn đến việc trong lòng du khách sẽ nghĩ gì, hiểu ra sao về văn hóa dân tộc Việt Nam nghìn năm văn hiến? Vậy thì liệu các địa phương có thể đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ được nữa hay không?

Vẫn có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, trước khi đổ lỗi cho người dân thiếu hiểu biết pháp luật, đánh mất lòng tự tôn dân tộc thì các cơ quan quản lý nhà nước hãy soi lại chính mình xem đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, có đặt lợi ích, thể diện của quốc gia lên hàng đầu hay chỉ vì cái lợi nhỏ địa phương cục bộ. Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp mạnh tay, không chỉ là với những người cố tình vi phạm pháp luật trong việc in biển hiệu quảng cáo không tôn trọng tiếng mẹ đẻ, mà cũng cần có chế tài nghiêm minh đối với những cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực trên không hoàn thành nhiệm vụ. Có vậy mới hy vọng lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động quảng cáo, mới nâng cao hơn nữa sự tự tôn dân tộc.  

Tác giả bài viết: Việt Anh
Nguồn tin: daidoanket.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp