Ngày 11-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Ngọc Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), cho biết huyện đã phân công một tổ công tác liên ngành gồm công an, kiểm lâm, bộ đội biên phòng… liên tục tuần tra, kiểm soát tại xã Vạn Thạnhđể ngăn chặn tình trạng phá rừng, chiếm đất, sang nhượng trái phép.
Dọn đảo, phá rừng để bán đất
Theo ông Khiêm, huyện Vạn Ninh phải sử dụng biện pháp trên bởi gần đây tình trạng phá rừng, chiếm đất, sang nhượng trái phép diễn ra ngày càng phức tạp tại xã Vạn Thạnh. Đây là nơi mà nhiều người cho rằng sẽ trở thành trung tâm của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong (gọi tắt là đặc khu Bắc Vân Phong) với quy mô diện tích dự kiến toàn huyện Vạn Ninh.
Nhiều người dân xã Vạn Thạnh cho biết cơn sốt đất ngày càng nóng ở địa phương này đã lan ra nhiều hòn đảo trên vịnh Vân Phong. Từ trên bờ nhìn ra cũng có thể dễ dàng nhìn thấy phần lớn cây cối trên đảo Hòn Trì thuộc thôn Vĩnh Yên bị chặt phá, phát dọn. Màu xanh trước đây trên đảo nay thay bằng những đám đất vừa bị đốt cháy nham nhở, những gốc cây trơ trọi.
Tương tự Hòn Trì, rừng trên nhiều hòn đảo khác ở vịnh Vân Phong cũng bị chặt phá tan hoang, phát dọn, chiếm đất như Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ, Hòn Nhọn, Hòn Ké, Hòn Săng, Bãi Xếp… Theo nhiều người dân địa phương, tình trạng phát dọn, chiếm đất trên các đảo diễn ra khoảng nửa tháng nay. “Mỗi nhóm nhân công hàng chục người từ nơi khác đến, mang theo cưa máy, rựa, đi thuyền ra các đảo. Họ dựng lán trại ở lại phát dọn nhiều ngày liền. Những nhân công đó nói họ được chủ đất thuê phát dọn” - ông LTV (ngụ thôn Vĩnh Yên) kể.
Cũng theo nhiều người dân xã Vạn Thạnh, sau khi phát dọn, một số người đến đóng cọc, phân lô, rao bán đất cho người khác. Khoảnh đất rộng hơn 2 ha vừa phát dọn trên đảo Hòn Trì đã được rao bán với giá hơn 60 tỉ đồng. Nhiều diện tích trên các đảo khác cũng được rao bán công khai trên mạng với giá hàng chục tỉ đồng. Một số người dân địa phương khẳng định đã có không ít người từ nơi khác đến mua đất trên các đảo đó. Tuy nhiên, hầu như không ai biết cụ thể về những người từ nơi khác đến ra đảo “xí” đất, bỏ tiền thuê nhân công chặt phá cây cối, phát dọn rồi chiếm đất, rao bán.
Nhốn nháo bán đất khắp nơi
Dọc hai bên đường từ xã Vạn Thọ đi xã Vạn Thạnh, bảng “đất bán” kèm số điện thoại vẽ, dựng khắp nơi. Nhiều khu rừng, đồi cằn cỗi, hoang hóa trước đây nay được phát dọn sạch, phân lô vuông vức. Khắp các thôn Vĩnh Yên, Điệp Sơn, Đầm Môn của xã Vạn Thạnh, hầu hết khu đất bỏ hoang, trũng thấp trước đây nay được đổ đất nâng nền, sửa sang, dựng rào, cắm cọc. Nhiều hồ nuôi tôm giáp đất liền cũng được rào lại, rao bán.
Ngay tại cảng cá Đầm Môn, nơi nhộn nhịp nhất xã Vạn Thạnh, chỗ nào cũng nghe những câu chuyện mua bán, sang nhượng đất đai thay vì nói chuyện tàu thuyền, tôm cá như trước đây. Phần lớn các quán cà phê đều biến thành điểm giao dịch, mua bán đất.
Từ quốc lộ 1 đoạn qua xã Vạn Thọ, PV gặp nhiều ô tô biển số các tỉnh đua nhau chạy đến xã Vạn Thạnh. Đó là những người đi mua đất. Theo người dân địa phương, giá đất ở đây đã tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với trước.
Ở khu tái định cư Vĩnh Yên, nhiều lô đất vốn bỏ hoang nay bỗng có giá nhiều tỉ đồng. Những lô đất hướng ra biển được “thổi” giá lên cả chục tỉ đồng. “Nhiều mảnh vườn cằn cỗi trước đây bán vài chục triệu không ai mua, nay bán 5-7 tỉ đồng” - ông Trần Văn Ngân (ngụ thôn Đầm Môn) nói.
Một số người lần đầu đến Vạn Thạnh nói rằng họ thật sự hoang mang, thậm chí không hiểu mình đang ở đâu bởi giá đất chỗ nào cũng nghe tiền tỉ, hàng chục tỉ. Trong khi đó, ngay người dân địa phương nói rằng chính họ cũng không hiểu vì sao giá đất ở Vạn Thạnh tăng cao đến như vậy. “Ai cũng nói nơi này sắp thành đặc khu nhưng không biết những người mua đất với giá cao như thế để làm gì!” - bà Nguyễn Thị Nhài (ngụ thôn Điệp Sơn) thắc mắc.
Địa phương “không kham nổi”?
Ông Lê Hoàng Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh, thừa nhận có tình trạng phá rừng, chiếm đất trên các đảo ở địa phương này diễn ra đặc biệt phức tạp. Tuy nhiên, ông Vương cho rằng khó xử lý vì các đảo nằm ngoài vịnh, địa bàn rộng, xã thiếu lực lượng chuyên trách, phần lớn những người phá rừng chiếm đất từ nơi khác đến… Khi lực lượng chức năng phát hiện thì những người này bỏ chạy lên núi.
Một cán bộ UBND xã Vạn Thạnh cho biết mới đây lực lượng chức năng của xã phát hiện, lập biên bản một nhóm người đang phát dọn rừng trên đảo. Tuy nhiên, xã chỉ phạt hành chính, yêu cầu cam kết không tái phạm rồi cho rời khỏi địa bàn. Lý do là những người phá dọn rừng này khai làm thuê cho người khác.
Trước tình trạng bát nháo trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh Trần Ngọc Khiêm giải thích do xã Vạn Thạnh quá rộng, có địa hình vừa đảo vừa bán đảo, lực lượng cán bộ xã ít nên khó phát hiện, ngăn chặn tình trạng trên, thậm chí “không kham nổi”!
Theo ông Trần Ngọc Khiêm, mới đây lực lượng chức năng của huyện phát hiện một số người vi phạm, trong đó có việc chặt phá rừng. Tuy nhiên, những người này bỏ chạy vào rừng nên chưa thể xử lý.
“UBND huyện đã giao công an huyện tiếp tục nắm kiểm tra, xác định những người chủ mưu các vụ phá rừng, chiếm đất để xử lý” - ông Khiêm cho hay.
Ngăn chặn sang nhượng đất trái phép Trao đổi với PV, một lãnh đạo HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tình trạng mua bán đất ồ ạt, đẩy giá đất lên cao tại huyện Vạn Ninh có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý đất đai. “Trong khi chúng ta đang thực hiện quy hoạch đất cho việc thành lập đặc khu thì chính quyền một số xã, thôn lại ký cho chuyển nhượng, mua bán. Điều này góp phần tạo điều kiện cho nhiều người mua bán, tạo ra giá đất ảo. Chúng tôi đang đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng sang nhượng đất đai trái phép, ổn định trật tự tại các địa phương nằm trong quy hoạch cho đặc khu Bắc Vân Phong”. Đứng trong bờ nhìn ra cũng thấy đảo bị dọn Cách đây mấy tháng, khi có thông tin thành lập đặc khu Bắc Vân Phong, tình trạng phá rừng chiếm đất, cả trong đất liền và ngoài các đảo đã xuất hiện. Gần đây, tình trạng này rộ lên là do nhiều người nói xã Vạn Thạnh thành trung tâm của đặc khu. Một số đảo bị phát dọn, chiếm đất nằm gần đất liền nên đứng trong bờ cũng dễ dàng nhìn thấy đảo bị chặt dọn, đốt phá. Ông TVB (thôn Vĩnh Yên, Vạn Ninh) |