Nhớ lại, những ngày mới khởi công, cả chủ đầu tư lẫn chính quyền tỉnh Khánh Hòa đã vẽ ra những viễn cảnh về một đại dự án có tổng mức đầu tư lên đến 1.400 tỷ đồng.
Viễn cảnh về một tổ hợp dự án nằm ngay vịnh Nha Trang - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới được thiên nhiên ưu đãi đặc biệt về khí hậu và cảnh quan tự nhiên, có các điều kiện thuận lợi để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ, đường hàng không.
Rồi thì dự án sẽ xây dựng sân golf 36 lỗ chuyên nghiệp, các công trình phụ trợ, khu nhà ở thấp tầng; trung tâm thương mại hội nghị, hội thảo; khu khách sạn resorts quốc tế 5 sao…
Cũng phải nhắc lại rằng, thời điểm ấy, Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang, một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đang được cho là rất nhiều tiền. Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang có số vốn điều lệ là 300 tỷ đồng, nhưng các cổ đông tham gia đều thuộc PVN như Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Cty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland), Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC)… Không mấy ai nghi ngờ về tính khả thi của siêu dự án này. Ngày 27/12/2007, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản lựa chọn chủ đầu tư và đến ngày 29/4/2008, ký cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.
Có lẽ vì lẽ ấy mà một dự án lấy đi của Khánh Hòa hơn 171 ha đất nhưng lại không thông qua đấu giá và chuyển mục đích sử dụng một diện tích đất rất lớn. Ngày 22/8/2011, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thời điểm đó là ông Lê Đức Vinh ký Quyết định số 2248/QĐ-UBND cho Công ty Cổ phần đầu tư Dầu khí Nha Trang thuê 1.561.509,2m2 đất. Ngày 16/8/2012 ông Vinh tiếp tục ký quyết định cho phép chủ đầu tư chuyển mục đích sử dụng 157.409,8m2 từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở.
Tất cả “điều kiện” đều được UBND tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ chủ đầu tư với hi vọng “đại dự án” sẽ hoàn thành vào quý 2/2014 như kế hoạch. Nhưng thực tế chua xót vô cùng.
Ngồi tần ngần nhìn về phía đại dự án vẫn còn ngổn ngang, hoang phế sau gần cả chục năm triển khai, ông Đỗ Thành Công, thôn Cửu Lợi 2, xã Cam Hòa (huyện Cam Lâm) nói trong cay đắng: Dự án sân golf lấy đất bỏ hoang chứ có làm gì đâu.
Giống như bao hộ dân khác bị UBND tỉnh thu hồi đất phục vụ dự án, gia đình ông Công nhanh chóng lâm vào cảnh thất nghiệp. 3 ha đất của gia đình ông vốn trồng xoài, đào, mãng cầu… mỗi năm thu khoảng tầm 150 triệu. Đất bị thu hồi, cũng tiếc lắm, nhưng cứ tưởng nhường đất để xây dựng “đại dự án” với bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp như chính quyền và chủ đầu tư rêu rao nên bao hộ dân nơi này mới đồng ý ký vào biên bản giao đất. Nào ngờ, chỉ toàn những lời hứa hão. Bao nhiêu mùa vụ đi qua, chứng kiến đất đai bỏ không mà buốt ruột, những gia đình như ông Công làm đơn xin sản xuất nhưng chính quyền không cho.
"Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình tôi có mua rẫy khác, sản xuất chẳng ra sao vì đất không đẹp bằng ở nơi này. Nhìn dự án bỏ không như vậy nghĩ lại uổng cho những khu vườn đã xây dựng trước đây. Dân chúng tôi ít khi ra nơi này vì sợ nhìn thấy cảnh tượng này lại tiếc”, ông Công nói rồi rủ chúng tôi về, như thể không muốn chứng kiến thêm khung cảnh hoang tàn của “siêu dự án” này nữa.
Trong tài liệu NNVN có được, kết luận của đoàn kiểm tra thể hiện: Đối với Dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, vi phạm Nghị định của Chính phủ: “Không thực hiện hoạt động đầu tư theo đúng nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chủ trương đầu tư”. Văn bản này cũng đưa ra “tình tiết giảm nhẹ” là nhà đầu tư chưa được hoàn trả nguồn ứng tiền thuê đất, khó khăn về nguồn vốn…
Ngoài “siêu dự án” sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, theo tài liệu của NNVN, rất nhiều dự án khác được UBND tỉnh Khánh Hòa “tạo điều kiện” nhưng liên tục dính những vi phạm kéo dài, thậm chí “chuyển chủ” đổi tên dự án…
Điển hình như Dự án Khu du lịch Trần Thái Cam Ranh có tổng vốn đầu tư hơn 710 tỷ đồng trên diện tích hơn 27ha do Công ty CP Trần Thái Cam Ranh làm chủ đầu tư.
Để có đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án, ông Lê Đức Vinh khi giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã 4 lần ký các quyết định, văn bản liên quan. Ngày 13/12/2012 là quyết định cho Trần Thái Cam Ranh thuê đất, giao đất với diện tích 275.468,3m2 không thông qua đấu giá thuộc khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh. Tiếp theo là những quyết định điều chỉnh diện tích, ranh giới và những quyết định về việc cho phép doanh nghiệp này trả tiền thuê đất hàng năm…
Mặc dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2012, nhưng đến nay khu liên hợp du lịch sinh thái biển này mới chỉ triển khai thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, tường rào và các công trình phụ trợ thuộc khu A. Không chỉ chậm tiến độ, “đại dự án” cũng đã chuyển chủ đầu tư khi Công ty CP Vịnh Nha Trang nắm giữ tới 98% cổ phần đổi tên thành Dự án The Arena Bãi Dài Cam Ranh.
Tương tự là Dự án Nha Trang Sao nằm trên đường Phạm Văn Đồng, TP Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Nha Trang Sao từ tháng 3/2012. Dự án được khởi công đầu năm 2014 trên diện tích 103.000m2 mặt đất và mặt nước biển, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, sau 6 năm triển khai, hiện dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang, cát sỏi, phế liệu được đổ tràn lan ra mặt biển gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói gì?
Trao đổi với NNVN, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nói về việc bản thân ký cấp phép các dự án thời điểm đang làm Phó Chủ tịch UBND như sau: UBND tỉnh Khánh hòa mong nhận được sự chia sẻ trong công tác điều hành tổ chức bởi có những vấn đề do lịch sử để lại.
“Đồng chí chủ tịch trước làm xong đến tôi làm theo, làm tiếp. UBND tỉnh cũng như các sở ban ngành đều hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, có hay chăng là việc vận dụng phù hợp với thực tiễn, phù hợp phát triển chung. Có những vấn đề qua qua nhiều thời kỳ, có thể là do tôi ký nhưng chủ trương đã được đồng ý, tập thể bàn bạc giải quyết, cá nhân chỉ thực hiện thôi”, ông Vinh nói.