TỔNG LĐLĐVN VÀ TỔNG CÔNG ĐOÀN THỤY ĐIỂN: Hợp tác đánh giá hoạt động công đoàn ở doanh nghiệp

Thứ ba - 07/08/2018 02:35
Ngày 6.8, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) diễn ra hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát và tập huấn bước một cho CĐCS các doanh nghiệp có liên quan đến Thụy Điển tại Việt Nam dưới sự điều hành của đồng chí Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Điều hành chương trình hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công đoàn Thụy Điển (LO Thụy Điển).

Hoạt động CĐ được chủ doanh nghiệp ủng hộ

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN và Hội đồng hợp tác Công đoàn Thụy Điển, Ban Điều hành chương trình hợp tác tiến hành khảo sát một số DN có vốn đầu tư Thụy Điển hoặc cung ứng cho nhãn hàng Thụy Điển nhằm mục đích đánh giá thực trạng lao động và hoạt động CĐ ở các DN, làm cơ sở xây dựng nội dung hợp tác giữa Tổng LĐLĐVN và LO Thụy Điển trong thời gian tới, tập trung vào việc nâng cao năng lực hoạt động của CĐCS để cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ. Theo đó, thời gian khảo sát gồm 2 đợt (từ ngày 19 - 25.4.2017 và 29.6 - 3.7.2017).

Kết quả khảo sát 8 DN cho thấy, bên cạnh các nhãn hàng Thụy Điển, các Cty đều cung ứng cho nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới và xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản. 99% số NLĐ được đóng BHXH. Hoạt động CĐ được chủ DN ủng hộ, 100% số NLĐ là đoàn viên CĐ và tất cả các DN đều có thỏa ước tập thể với các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ liên quan đến chế độ phúc lợi, tiền thưởng, các khoản trợ cấp.

Tuy vậy, theo bà Phạm Thị Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, có một số quan ngại như một số DN cấm kê khai thông tin về tiền lương; tiếng ồn, hơi nóng, mùi hóa chất tẩy, máy hàn không che chắn, không đeo kính bảo vệ và lương theo sản phẩm thì áp lực công việc cao hơn.

Bên cạnh đó, quá trình khảo sát cũng cho thấy những bất cập trong nền kinh tế thị trường như tỉ lệ lao động trực tiếp tham gia ban chấp hành CĐ, cán bộ CĐ giữ “hai vai” (vừa cán bộ quản lý vừa chủ tịch CĐCS) thì khó cho thương lượng bình đẳng và đại diện.

Tìm giải pháp giải quyết các quan ngại

Tại hội thảo, bà Phạm Thị Thu Lan đưa ra khuyến nghị đối với các DN là xóa bỏ quy định về việc coi thông tin tiền lương là bí mật kinh doanh; cung cấp thang lương, bảng lương và bảng định mức lao động để thể hiện sự công khai, minh bạch; xây dựng quyền tự chủ và tự quyết của CĐ, không tham gia hay can thiệp vào hoạt động CĐ và việc sử dụng kinh phí CĐ.

Đối với CĐCS, cần thay đổi hình thức tổ chức; tập trung vào nhiệm vụ ưu tiên của CĐ là thương lượng tập thể; xây dựng sức mạnh của đoàn viên để tạo thế cho CĐ thương lượng. Đối với các nhãn hàng Thụy Điển và khách hàng, việc cải thiện điều kiện lao động và tiền lương của NLĐ phụ thuộc rất nhiều vào các nhãn hàng và khách hàng ở các nước nhập khẩu. Vì vậy, bà Lan đề nghị giá mua có tính tới chi phí lao động.

Cho rằng kết quả khảo sát cho thấy đã nổi lên một số vấn đề về hoạt động CĐ ở DN, ông Leif Isaksson - Trưởng ban Quốc tế, LO Thụy Điển - hy vọng: “Chúng ta tìm kiếm điểm tương đồng, cùng nhau chia sẻ cơ hội, CĐ thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác thì sẽ cải thiện được tình hình”.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý, kết quả khảo sát có một số điểm đáng lo ngại, nhưng không phải bây giờ mới phát hiện ra.

“Chúng ta đã thấy và tìm cách chỉnh sửa, tìm giải pháp giải quyết nhưng vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thức rằng đã đến lúc phải đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, làm sao CĐ là đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ” - ông Trần Văn Lý cho biết và mong muốn tại hội thảo này, các bên cần cùng nhau tập trung trao đổi, bàn bạc, tìm ra giải pháp trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: LƯU HOÀNG
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp