Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ hai - 27/04/2020 13:54
Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, tính đến đầu tháng 4, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.   Báo Khánh Hòa điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa
Tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, tính đến đầu tháng 4, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Các chỉ tiêu giảm mạnh


Theo báo cáo, những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giảm 9,3%. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ cuối tháng 1 đến nay, trên địa bàn tỉnh, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh phục vụ khách du lịch nước ngoài bị giảm sút về doanh số, một số cửa hàng tạm ngưng và nghỉ hoạt động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh chỉ đạt 17.843 tỷ đồng, giảm 18,71%. Cũng trong thời gian này, chỉ có 369 doanh nghiệp (DN) thành lập, giảm 22,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký khoảng 1.813 tỷ đồng, giảm gần 13%. Toàn tỉnh có tới 513 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 64,4%.

 

Dây chuyền sản xuất của  Công ty Cổ phần Nước  giải khát Sanest Khánh Hòa.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Nước giải khát Sanest Khánh Hòa.


Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Qua rà soát sơ bộ, toàn tỉnh có gần 1.700 DN bị ảnh hưởng. Lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch chiếm 33,5%; lĩnh vực kinh doanh thương mại chiếm 21,6%; lĩnh vực xây dựng chiếm 13,8%; lĩnh vực sản xuất, chế biến chiếm 10,7%; còn lại là các DN trong lĩnh vực dịch vụ sân bay, quảng cáo, kinh doanh vận tải… Ngoài ra, còn có 1.211 hộ, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng. Riêng các hộ, cá nhân trong lĩnh vực buôn bán xăng dầu, hàng hóa, xe máy, đồ dùng, nông sản, hải sản, thực phẩm, may mặc, thức ăn chăn nuôi, trái cây... chiếm 52,5%.

 

Hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên thu ngân sách trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 4.088,92 tỷ đồng, bằng 23,7% dự toán và giảm 16,9% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt hơn 712 tỷ đồng, bằng 54,8% dự toán và giảm 9,3% so với cùng kỳ; thu nội địa đạt gần 3.400 tỷ đồng, bằng 21,1% dự toán và giảm 18,4% so cùng kỳ.


Thực hiện nhiều giải pháp


Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Chỉ đạo các sở, ngành cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho DN phát triển. Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động có biện pháp cụ thể để hỗ trợ DN và người dân trong công tác tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ tiền tệ, thanh toán thuận lợi. Các ngân hàng thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; cân đối nguồn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn.

 

Dây chuyền dệt kim của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

Dây chuyền dệt kim của Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang.

 

Cục Thuế tỉnh đã triển khai việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho DN; thực hiện kịp thời việc miễn, giảm, gia hạn nợ, hoàn thuế, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực kinh tế cũng rà soát, kiểm kê, đánh giá các nguồn lực hiện có nhằm khai thác, huy động, bổ sung năng lực cho nền kinh tế, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.


Theo ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh, để kinh tế - xã hội của tỉnh sớm phục hồi sau dịch, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét cho các DN kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh được chậm nộp các khoản thuế, bảo hiểm xã hội của năm 2019 và 2020 đến giữa năm 2021; đồng thời miễn thuế VAT của quý I và II/2020, xem xét giảm 50% thuế VAT cho các tháng còn lại trong năm. UBND tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách giảm thuế, miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng, giãn nợ vay ngân hàng, giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không bị phạt do nộp chậm. UBND tỉnh cũng đề nghị Tổng cục Thuế có ý kiến về những giải pháp để hỗ trợ DN trước những khó khăn do tác động bởi dịch bệnh gây ra. Đặc biệt, kiến nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn đầu tư các công trình quan trọng cho tỉnh Khánh Hòa nhằm kích thích kinh tế và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.


Đình Lâm


 

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp