Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, nắng nóng kéo dài nên tiến độ trồng rừng của các chủ rừng nhà nước chậm hơn so với mọi năm.
Diện tích trồng chưa nhiều
Những ngày gần đây, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương đang tập trung nhân công để xử lý xong thực bì. Vườn ươm của công ty cũng đã chuẩn bị đầy đủ cây giống, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài nên công ty chưa thể tiếp tục trồng rừng, thậm chí những khu vực đang tiến hành trồng cũng phải dừng lại. Ông Nguyễn Văn Lực - Trưởng phòng Kỹ thuật và Bảo vệ rừng (Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương) cho biết: “Năm nay, công ty sẽ tiến hành trồng mới 878,66ha rừng tập trung, trong đó có 306,92ha rừng phòng hộ tại các xã: Khánh Hiệp, Khánh Bình và 571,74ha rừng sản xuất tại các xã: Khánh Trung, Khánh Hiệp, Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh). Những năm trước, đến thời điểm này, công tác trồng rừng đã được 50 - 60% thì năm nay, đơn vị mới chỉ thực hiện được 11% kế hoạch”.
Theo kế hoạch, năm nay, Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa sẽ trồng mới 50ha rừng tập trung, nhưng đến thời điểm này, mới thực hiện xong việc chuẩn bị hiện trường trồng rừng, chưa thể xuống giống. Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Khánh Sơn cũng có kế hoạch trồng 35ha rừng, nhưng đến thời điểm này chỉ mới trồng được 15ha. Theo kế hoạch được duyệt, BQL rừng phòng hộ Cam Lâm sẽ trồng 80ha rừng phòng hộ tại khu vực Sơn Tân. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa trồng được diện tích nào. Tương tự, theo BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, toàn bộ diện tích 28ha rừng phòng hộ tại khu vực hồ Hoa Sơn (huyện Vạn Ninh) dự kiến trồng trong năm nay đã được xử lý xong thực bì nhưng vẫn chưa thể tiến hành trồng.
Trông Chờ mưa
Chia sẻ về nguyên nhân tiến độ trồng rừng năm nay chậm, lãnh đạo các đơn vị đều khẳng định, thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài là nguyên nhân chính. Nhiều khu vực đang tiến hành trồng thì gặp nắng buộc phải dừng lại, nhiều khu vực đã xuống cây giống thì cây chậm phát triển, tỷ lệ chết cao. “Riêng tại Vạn Ninh, mấy tháng nay không có giọt mưa nào, nắng gay gắt, thậm chí những cánh rừng trồng những năm 2017, 2018 tỷ lệ cây chết lên đến 40 - 45%; nhiều cánh rừng trong lâm phận của chúng tôi luôn nằm trong diện nguy cơ cháy rất cao. Thời tiết như vậy nên chúng tôi buộc phải dừng kế hoạch trồng rừng, nếu xuống giống thời điểm này chắc chắn cây sẽ chết”, ông Đặng Quang Thành - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, năm nay, các địa phương, đơn vị sẽ tiến hành trồng 2.270,24ha rừng trồng tập trung, trong đó có 188,32ha rừng phòng hộ và 2.081,92ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các đơn vị mới tiến hành trồng được 33ha rừng phòng hộ, 60ha rừng sản xuất. |
Bên cạnh yếu tố thời tiết bất lợi, năm nay, kế hoạch trồng rừng của các chủ rừng nhà nước cũng gặp khó khăn khi nhân công trồng rừng khan hiếm, giá quá cao. Cụ thể, đơn giá nhân công được phê duyệt theo kế hoạch trồng rừng là 157.000 đồng/người/ngày, trong khi công lao động địa phương lên đến 250.000 đồng/người/ngày; một số đơn vị chủ rừng đang phải thuê lao động với mức giá 200.000 đồng/người/ngày. Không tìm được lao động địa phương, nhiều chủ rừng phải thuê nhân công từ các tỉnh: Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận… để phát dọn thực bì, trồng rừng.
Để đẩy nhanh tiến độ trồng rừng, các đơn vị chủ rừng nhà nước đang tiến hành trồng rừng theo hình thức cuốn chiếu, tranh thủ trời không có mưa xử lý thực bì, chỉ đợi mưa xuống là tiến hành trồng ngay. Những khu vực điều kiện thuận lợi sẽ tiến hành trồng trước. Ngoài ra, khi chưa thể trồng rừng thì các đơn vị tranh thủ chăm sóc rừng trồng trước đó.
Ông Trần Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, hàng năm, mùa vụ trồng rừng diễn ra trong 2 đợt: đợt 1 vào khoảng tháng 6, tháng 7 khi trời có mưa dông và đợt 2 vào khoảng tháng 9, tháng 10. Năm nay, do thời tiết bất lợi nên các đơn vị sẽ tập trung trồng rừng vào đợt 2. Để đảm bảo kế hoạch được giao, các đơn vị cần chuẩn bị đủ cây giống, sẵn sàng hiện trường trồng rừng, nhân công để khi có mưa xuống là kịp bắt tay ngay vào việc trồng rừng. Bên cạnh đó, nắng nóng vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, vì vậy, các chủ rừng cần chú ý triển khai kế hoạch chăm sóc rừng trồng, phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là đối với diện tích rừng trồng chưa khép tán.
HẢI LĂNG