Tăng cường quản lý các dự án khai thác cát

Thứ sáu - 30/06/2017 22:43
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Theo đó, tỉnh sẽ không cấp mới các dự án khai thác cát nhiễm mặn, đồng thời giám sát chặt chẽ các dự án hiện hữu.

Nhiều dự án khai thác cát

Theo báo cáo, đến nay, UBND tỉnh đã cấp giấy phép cho 7 dự án nạo vét, thu hồi cát nhiễm mặn để xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có 4 dự án đã tiến hành nạo vét, gồm: dự án tại xã Vạn Thọ và xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn; dự án tại sông Tắc từ hạ lưu cầu Bình Tân đến biển (TP. Nha Trang) của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Sài Gòn - Hà Nội; dự án tại Vùng 4 Hải quân của Công ty Cổ phần Đầu tư Cái Mép; dự án tại đầm Thủy Triều (TP. Cam Ranh) của Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển Môi Trường Xanh.

Được biết, dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư Cái Mép được cấp giấy phép vào tháng 4-2015 và có thời hạn 5 năm, với tổng khối lượng khai thác hơn 14 triệu m3. Hiện nay, công ty này đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và cũng đã tạm ngừng thi công từ ngày 23-3-2017 đến nay. Dự án của Công ty Cổ phần Xây dựng phát triển Môi Trường Xanh cũng được cấp giấy phép từ tháng 5-2015, thời hạn 1 năm, với khối lượng 3,6 triệu m3. Dự án này cũng đã tạm dừng từ năm 2015 khi mới chỉ khai thác được hơn 376.000m3. Dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn được cấp phép từ năm 2014 với thời hạn 9,5 năm, với tổng khối lượng lên đến 45,59 triệu m3; đã tạm dừng thi công từ cuối năm 2014 khi mới khai thác được 583.000m3.


Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 2 công ty đã được cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Hồng Phát được cấp giấy phép từ tháng 7-2016 tại xã Ninh Hưng (thị xã Ninh Hòa), diện tích khai thác 2,5ha. Công ty TNHH Khoáng sản Nha Trang được cấp phép năm 2013 tại khu vực Sông Chò, xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) với diện tích 2,4ha. Ngoài ra, toàn tỉnh có 3 khu vực cát, sỏi lòng sông đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, gồm: 1 khu vực đang thăm dò khoáng sản ở sông Cái và nhánh sông Cái thuộc huyện Diên Khánh; 2 khu vực đã hoàn thành công tác thăm dò và báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản, đều thuộc huyện Diên Khánh. Hai khu vực này đang được Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định để hoàn thành thủ tục phê duyệt trữ lượng.

Quản lý chặt và không cấp mới


Từ tháng 2-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Sau khi có quyết định này, Công an tỉnh, các sở, ngành chuyên môn và địa phương đã thường xuyên kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, kịp thời phát hiện và xử lý nhiều sai phạm. Kết quả, các đơn vị đã phát hiện 21 trường hợp khai thác cát, sỏi trái phép, xử lý vi phạm 11 trường hợp với số tiền phạt 56 triệu đồng và thu 1 ghe hút cát trái phép.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng để khai thác cát trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị trước khi thi công nạo vét phải lập kế hoạch thi công chi tiết, đăng ký khối lượng nạo vét… Qua kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án nạo vét luồng, lạch thu hồi cát nhiễm mặn, UBND tỉnh đã yêu cầu dừng mọi hoạt động thi công nạo vét cát nhiễm mặn tại dự án nạo vét sông Tắc của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Hà Nội - Sài Gòn vào tháng 3-2017. Nguyên nhân do công ty này không tuân thủ biện pháp thi công nạo vét đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa thực hiện báo cáo kết quả quan trắc môi trường của dự án…

Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát các dự án nạo vét luồng, lạch thu hồi cát nhiễm mặn xuất khẩu để tiếp tục xử lý đối với các dự án không triển khai đúng quy định, không đảm bảo vệ sinh môi trường; đồng thời không thỏa thuận, cấp mới các dự án nạo vét luồng, lạch theo hình thức xã hội hóa. Trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030. Hiện nay, quy hoạch đã được lấy ý kiến các ngành, địa phương và dự kiến trong tháng 7 sẽ trình HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, các khu vực trong quy hoạch cũ có nguy cơ sạt lở bờ sông đều bị loại bỏ; đồng thời điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tập kết cát, sỏi đảm bảo phù hợp nhằm mục đích quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên của tỉnh.

Nguồn tin: www.baokhanhhoa.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp