Chiều 28-3, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Khánh Hòa làm việc với các sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương cùng lãnh đạo các địa phương về tình hình thực hiện quy hoạch chi tiết hệ thống các đường gom dọc tuyến quốc lộ. Qua đó, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc khi thực hiện quy hoạch này.
Còn nhiều khó khăn
Tại cuộc họp, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, trong đợt giám sát thực hiện quy hoạch chi tiết hệ thống các đường gom dọc tuyến quốc lộ ở nhiều địa phương, ban đã nhận được các ý kiến bức xúc của người dân xung quanh quy hoạch này. Trong đó, nổi cộm nhất là quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Đồng thời, quy hoạch bộc lộ một số điểm bất cập. Do đó, Ban Kinh tế - Ngân sách tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan để làm rõ hơn những vấn đề trên.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, từ năm 2015 đến nay, ngân sách tỉnh tập trung đầu tư các công trình trọng điểm như: đường Phong Châu, đường Võ Nguyên Giáp, nút giao thông Ngọc Hội... Bên cạnh đó, nguồn vốn để khắc phục thiệt hại do bão lụt trong các năm 2017, 2018 rất lớn nên đề xuất đầu tư nguồn vốn cho đường gom chưa khả thi. Mặt khác, việc đầu tư hệ thống đường gom dọc quốc lộ cần nguồn vốn rất lớn, nhưng nguồn lực hiện nay chưa đủ. Việc chậm triển khai quy hoạch đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, đặc biệt trong vấn đề xây dựng nhà ở. Mặt khác, một số tuyến có dân cư đông nên công tác giải tỏa khó khăn, phức tạp. Làm đường gom có mục đích đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng nguồn lực hiện nay không có để giải phóng mặt bằng. Để sớm triển khai đầu tư xây dựng hệ thống đường gom dọc quốc lộ, Sở Giao thông vận tải đề nghị tỉnh chỉ đạo xuyên suốt đến từng địa phương trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua cấp vốn để xây dựng những tuyến đường gom đã được phê duyệt.
Cần quan tâm quyền lợi người dân
Quy hoạch chi tiết hệ thống đường gom dọc tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh được UBND phê duyệt từ năm 2015. Theo đó, đường gom được thiết kế dọc theo các quốc lộ gồm: 1, 26, 26B và 27B với tổng chiều dài 206,81km. Quy hoạch nhằm xây dựng một bản đồ số tỷ lệ 1/10.000 dọc theo các quốc lộ trên địa bàn tỉnh, phục vụ quy hoạch chi tiết các đường gom, các điểm đấu nối làm cơ sở dữ liệu để các cơ quan, ban, ngành cấp phép và quản lý xây dựng ngoài phạm vi hành lang quản lý đường bộ dọc theo 2 bên đường quốc lộ. Từ đó, sẽ xóa bỏ các vị trí đấu nối trái phép, đảm bảo an toàn giao thông và góp phần nâng cao năng lực khai thác trên các tuyến quốc lộ. |
Trong buổi làm việc, đa phần các đại biểu tham dự đều nhận thấy, việc thực hiện quy hoạch chi tiết hệ thống các đường gom dọc tuyến quốc lộ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân có quy hoạch đi qua. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh, khi triển khai quy hoạch đường, người dân chịu thiệt thòi rất lớn nên họ kiến nghị nhiều là chuyện đương nhiên. Ở đây, quy hoạch được đưa ra nhưng không xác định khi nào làm, điều này khiến người dân bức xúc. Nhiều gia đình có đất ở gần quốc lộ từ lâu đời, giờ vướng quy hoạch, không thể sửa chữa nhà cửa được. Điều quan trọng là tỉnh cần phải công bố rõ thời điểm thực hiện quy hoạch. Nếu Nhà nước chưa làm được thì cần phải có một quy chế mở cho người dân. Ông Sơn đề xuất: “Các khu vực dân cư thành lập sau này thì bắt buộc phải có đường gom mới cho làm, còn các khu hiện hữu thì phải có hướng giải quyết. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh rà soát lại toàn bộ quy hoạch này cùng các quy định để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi cho người dân”.
Trong khi đó, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho rằng, tại địa phương vẫn còn một số hộ bị ảnh hưởng chưa đồng tình với quy hoạch nên Nhà nước cần có chính sách phù hợp. Bởi ở Vạn Ninh có một số khu vực trước đây người dân phải mua đất đấu giá theo giá thị trường, nay đường gom đi qua phải giải tỏa một nửa diện tích đất thì rõ ràng họ thiệt thòi.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Ngô - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết, sau buổi làm việc, ban sẽ tổng hợp các ý kiến để làm việc với UBND tỉnh. Quy hoạch đường gom có từ năm 2015, nhưng đến nay mới chỉ cắm mốc, chưa có nguồn lực để thực hiện huy hoạch. Người dân bức xúc vì vừa thực hiện xong Quốc lộ 1, hiện nay mới xây dựng nhà lại tiếp tục phải thực hiện quy hoạch này. Thậm chí rất nhiều phần đất được Nhà nước bán đấu giá nay nếu làm nhà khi giải tỏa sẽ không được đền bù. Vì vậy, cần phải xem xét để có chính sách phù hợp để tháo gỡ các khó khăn hiện nay.
Đ.LÂM