Giá bán lẻ điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20-3 sẽ giảm bớt áp lực cho ngành Điện. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN sản xuất công nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn khi chi phí tăng.
Đội giá thành sản phẩm
Tại Khánh Hòa, những DN có chỉ số tiêu thụ điện năng lớn là: Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin, Xi măng Hà Tiên, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, Tổng Công ty Khánh Việt và một số đơn vị kinh doanh du lịch. Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN.
Ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang cho biết, theo giá điện mới, đơn giá mua điện bình quân của công ty tăng tương đương 7,58%. Theo đó, chi phí tiền điện của công ty sẽ tăng 350 - 450 triệu đồng mỗi tháng. Đặc thù của ngành dệt may, giá điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản xuất. Do đó, việc giá điện tăng sẽ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên rất nhiều. Trước khó khăn đó, bài toán đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước là giải quyết hài hòa và tối ưu nhất về giá thành điện sản xuất.
Cùng chung trăn trở đó, ông Vương Vĩnh Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Sinh cho biết: “Công ty chúng tôi vừa ký hợp đồng xong 3 ngày thì giá điện tăng. Như vậy chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng nhưng giá bán lại không thể tăng vì đã ký hợp đồng”. Theo ông Hiệp, đa phần các DN đã ký hợp đồng các đơn hàng từ đầu năm. Trong đó, mọi chi phí cho sản xuất, giá thành sản phẩm, yếu tố giá điện mới chưa được tính đến. Hiện nay áp theo giá điện mới, rõ ràng các DN sẽ phải chịu thiệt.
Ngoài ra, giá điện còn tác động đến chi phí sản xuất, vận hành của cả DN. Đồng thời, nó còn kéo theo phản ứng dây chuyền như: các nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển, kho bãi… sẽ đội giá đáng kể.
Tìm phương án tiết kiệm điện năng
Do giá điện tăng, trực tiếp tác động đến “túi tiền” nên bản thân mỗi DN đều chủ động áp dụng các biện pháp tiết kiệm điện. Tuy nhiên, để tiết kiệm một cách triệt để thì phải đầu tư lớn, chi phí cao hàng chục tỷ đồng, vì vậy không phải DN nào cũng có khả năng. Trước mắt, đa phần các DN sẽ chọn giải pháp tiết kiệm điện bằng biện pháp kỹ thuật và sắp xếp lại hoạt động sản xuất. Cụ thể, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang đã bố trí kế hoạch sản xuất, phân ca tránh giờ cao điểm; bổ sung quy trình sử dụng điện tại các phụ tải lớn. “Không những thế, chúng tôi còn cân đối dây chuyền sản xuất sợi để việc huy động thiết bị công nghệ đồng bộ nhất, đảm bảo gian máy chạy đầy tải trong giờ thấp điểm và tập trung chuyển đổi mặt hàng trong giờ cao điểm, để khi qua khỏi thời gian cao điểm thì huy động tối đa máy sản xuất. Bên cạnh đó, điều chỉnh giờ ăn cơm giữa ca để tránh dùng điện cao điểm; sử dụng điện ánh sáng, điện sinh hoạt phải hợp lý, tiết kiệm, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên...”, ông Võ Đình Hùng cho hay.
Ông Lê Văn Toàn - Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin cũng cho biết, công ty xác định phải tiết kiệm điện một cách tối đa. Đối với khối sản xuất, vấn đề sử dụng điện phải hợp lý, ánh sáng, nhiệt độ ưu tiên tận dụng yếu tố tự nhiên. Mới đây, một số xưởng sản xuất đã sử dụng các tấm tôn sáng để lấy ánh sáng mặt trời thay cho bóng điện. Về lâu dài, máy móc thiết bị sẽ được cải tiến để có lượng điện năng tiêu thụ thấp nhất. Công ty sẽ dần dần thay đổi máy móc có lượng tiêu thụ điện năng tiết kiệm nhất. Riêng khối văn phòng, không sử dụng những thiết bị không cần thiết; khi nhân viên đi ra khỏi phòng phải tắt đèn, quạt, máy lạnh và các thiết bị khác.
Bên cạnh việc sắp xếp lại giờ giấc, máy móc làm việc, một số DN trên địa bàn tỉnh đã tính tới phương án hiệu quả hơn là lắp đặt các hệ thống pin mặt trời áp mái để tự sản xuất điện. Đồng thời, sẽ đầu tư các loại máy móc tiêu thụ điện năng thấp nhất.
Đình Lâm