Phía sau sự bùng nổ du lịch 0 đồng

Thứ hai - 24/07/2017 03:59
Khách du lịch có khi phải trả cái giá cắt cổ so với giá trị thực của món hàng.

Gần đây, tại nhiều địa phương bùng phát tour du lịch 0 đồng. Tuy nhiên, tại hội nghị liên quan đến du lịch lữ hành vừa diễn ra ở TP.HCM, nhiều ý kiến lo ngại tour du lịch 0 đồng gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Việt Nam (VN) và khiến Nhà nước thất thu thuế trong khi việc quản lý loại hình du lịch này còn bất cập.

Không có bữa ăn nào miễn phí

Đại diện một công ty du lịch cho rằng tour du lịch 0 đồng là một mô hình kinh doanh mới. Xét về bản chất thì đây là một mô hình kinh doanh du lịch giá rẻ. Mô hình này được cho là đã góp phần giúp VN thu hút thêm được khá nhiều du khách Trung Quốc (TQ). Tuy nhiên, tour du lịch 0 đồng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro và nguy cơ tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh, công bằng.

Cụ thể, giá của gói dịch vụ du lịch (ăn ở, đi lại…) mà du khách phải trả cho đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch theo mô hình 0 đồng thấp hơn so với gói du lịch truyền thống. Nhưng nhờ ăn phần trăm với các cửa hàng, địa điểm vui chơi giải trí mà các công ty lữ hành lấy lại phần vốn và lợi nhuận của mình. Và để có lợi nhuận, các công ty lữ hành có khi “cưỡng ép” khách du lịch phải mua sắm tại các cửa hàng bán sản phẩm, nhà hàng ăn uống hay điểm vui chơi giải trí. Điều này còn tạo điều kiện cho các cửa hàng cung cấp các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Thậm chí khách du lịch có khi phải trả cái giá cắt cổ so với giá trị thực của món hàng.

Nói thêm về mô hình du lịch này, đại diện Vụ Thị trường du lịch thuộc Tổng cục Du lịch nhận định các công ty lữ hành thông qua các hình thức như đưa khách đi mua sắm hay bán thêm các chương trình, dịch vụ tại điểm đến… để bù lại phần chi phí đầu vào. Do vậy thực chất khái niệm tour giá rẻ hay 0 đồng ở đây là nằm ở phần phí dịch vụ chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm và dịch vụ du lịch. Điều này cũng có nghĩa để bù đắp chi phí và kiếm được lợi nhuận, các công ty lữ hành phải nghĩ ra các hình thức để buộc du khách phải sử dụng một số dịch vụ hoặc hàng hóa có chất lượng tồi.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, thì cho rằng nói là tour 0 đồng nhưng bản chất không phải là 0 đồng, bởi xét cho cùng khách du lịch vẫn phải chi tiền dưới hình thức này hay hình thức khác. Đó là chưa kể do không có chương trình tour nên cơ quan quản lý không biết công ty lữ hành “bán” khách cho ai và bản thân du khách cũng không nắm được thông tin mình sẽ được đưa đến tham quan những điểm nào, mua sắm ở đâu, giá cả ra sao...

“Hiện nay du khách TQ khi sang VN nếu đi tour rẻ, thông thường các công ty sẽ bán thêm điểm ngoài tour du lịch, đó là cách thu thêm phí. Như vậy quyền lợi của khách không được đảm bảo” - ông Phương nhận định.

Ở góc độ khác, giám đốc một công ty du lịch nêu thực tế không ít công ty lữ hành, cửa hàng trong lộ trình tham quan của tour 0 đồng đều là do người TQ đứng đằng sau. Nói cách khác, mô hình này thực chất là khép kín của người TQ trên đất VN. Đáng lo ngại hơn là có khi khách TQ mua hàng được quảng cáo là hàng VN chất lượng cao hay đặc sản VN nhưng sau đó mới phát hiện đó là hàng TQ đội lốt hàng Việt. Điều này khiến hàng Việt bị mang tiếng xấu.

“Tour 0 đồng thực hiện theo kiểu vòng tròn khép kín nên tiền thu lại chảy vào túi người TQ khiến VN thất thu ngân sách. Vì hàng hóa là hàng TQ đội lốt hàng Việt và chính người TQ là chủ các shop” - vị giám đốc doanh nghiệp trên nói.

Làm gì với tour O đồng?

Để bảo vệ du khách và xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, gần đây nhiều nước như Thái Lan đã đưa ra các biện pháp để ngăn chặn tour 0 đồng. Tại VN, gần đây chính quyền một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa cũng đã mạnh tay chấn chỉnh tour 0 đồng. Tuy nhiên, liệu có chấn chỉnh được hay không thì chưa rõ vì khi cơ quan quản lý ra quân thì mô hình này rút vào “động bí mật” nhưng sau đó lại xuất hiện trở lại.

Vụ trưởng Vụ Lữ hành Nguyễn Quý Phương cho rằng để tránh tình trạng trên, các cơ quan quản lý phải căn cứ vào chương trình tour của các công ty đã ký hợp đồng với khách. Đây cũng là cơ sở để khách giám sát tour của công ty. Vì thực tế nhiều khách đi du lịch nhưng không trực tiếp ký hợp đồng mà có thể là người thân hay bạn bè làm thay.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay rút kinh nghiệm ở các địa phương khác, TP.HCM đã có kế hoạch rà soát về tour du lịch 0 đồng, qua đó để có giải pháp kịp thời. “Mới đây khi chúng tôi họp với 20 đơn vị có làm với thị trường TQ, họ ủng hộ vì không muốn gây thiệt hại cho chính mình cũng như lợi ích quốc gia. Tôi cho rằng nếu chính quyền nắm chắc địa bàn, chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp vì lợi ích chung của ngành du lịch thì xử lý được vấn đề này” - ông Khánh khẳng định.

Đại diện Vụ Thị trường du lịch thì cho hay giải pháp đối với tour du lịch 0 đồng là các cơ quan chức năng phải quản lý tốt các công ty lữ hành, đặc biệt là nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên. Xử lý nghiêm các trường hợp ép giá, cưỡng giá khách du lịch. Nếu phát hiện, tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế để răn đe.

Bên cạnh đó, đối với các điểm mua sắm cần được gắn biển đạt chuẩn, đảm bảo khách không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc vượt giá trị thực. Đồng thời buộc các cơ sở kinh doanh này phải phục vụ mọi đối tượng chứ không chỉ khách TQ.

Khách TQ đến VN tăng mạnh

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết sáu tháng năm nay du lịch VN thu hút được 6,2 triệu khách quốc tế, tăng 30% so với cùng kỳ; 40 triệu khách nội địa, tăng 11%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của TP.HCM và một số khu vực Đông Nam bộ thấp hơn mức độ tăng trưởng bình quân của các địa phương khác. Nguyên nhân một phần do điểm nghẽn ở sân bay, hạn chế về hạ tầng…

Năm 2016, khách TQ đến VN đạt 2,7 triệu lượt người, chiếm 27% tổng lượng khách quốc tế đến. Thị trường TQ và Hàn Quốc chiếm 42% tổng thị phần khách quốc tế đến VN.

45 khách sạn bị thu hồi sao

Theo Tổng cục Du lịch, qua kiểm tra và rà soát đã thu hồi 45 quyết định công nhận hạng sao đối với các khách sạn 3-5 sao. Nguyên nhân các khách sạn bị thu hồi sao là do đã không duy trì theo tiêu chuẩn, chất lượng sau khi được công nhận.

Nguồn tin: www.baomoi.com
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp