Phải chống đầu cơ đất ở các đặc khu tương lai

Thứ ba - 10/04/2018 23:32
Chiều 10-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt áp dụng đối với ba đơn vị gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Góp ý, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án luật này và cho rằng đây sẽ là điều kiện để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, cần làm rõ một số vấn đề còn nhiều ý kiến trái chiều.

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, cho rằng dự thảo luật có thể linh động, không nên “chốt” ba đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt như trên vì như vậy sẽ mang tính cá biệt. Để Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có tính lâu dài, nên quy định chung mang tính phổ biến cho các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt (có thể thành lập sau này) bởi cùng với thông qua luật, việc thành lập từng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt cũng phải có nghị quyết của Quốc hội cho từng đơn vị với những nội dung cụ thể, phù hợp, mang tính đặc thù. “Quốc hội sẽ quyết định một số chính sách khác cho từng đặc khu theo nghị quyết của Quốc hội, có giá trị ngang luật” - ông Lịch đề xuất.

 

Đối với chính sách ưu đãi, ông Lịch không đồng tình với chính sách giá đất ưu đãi. Theo ông Lịch, hiện nay 18 khu kinh tế ven biển, nhất là ở miền Trung, sự tác động của chính sách miễn giảm thuế đất đã tạo điều kiện cho người ta chiếm đất để đó và không làm dự án gì cả. Tình trạng người cần đất để làm dự án thì không có, còn giới đầu cơ giữ đất để chờ cơ hội thì khá nhiều. Cái này chỉ làm lợi cho những người đã chiếm đất” - ông Lịch nói.

Đề cập trực tiếp đến Phú Quốc, ông Lịch cho rằng vấn đề lớn nhất ở Phú Quốc hiện nay là phải chống đầu cơ đất. “Nếu không chống đầu cơ đất mà miễn giảm giá đất thì Nhà nước còn đất đâu mà miễn giảm. Tất cả đầu cơ đất hết, chỉ làm lợi cho những ai đầu cơ” - ông Lịch nói và cho rằng đầu cơ đất là vấn đề cần giải quyết đầu tiên ở Phú Quốc.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất tại đặc khu được quy định trong khoản 1 Điều 32 của dự án luật, TS Trần Du Lịch nói không cần thiết phải quy định thời hạn sử dụng đất lên đến 99 năm, dù do Thủ tướng quyết định. Bởi các dự án đầu tư không có dòng đời nào lên đến 99 năm. “Quy định 99 năm có thể là do sự nhạy cảm về chính trị và tâm lý. Formosa 70 năm đã ồn ào lắm rồi. Tôi đề nghị cân nhắc bỏ 99 năm” - ông Lịch nói.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề xuất thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu là 50 năm, trường hợp đặc biệt mới cho phép 70 năm, không thể 99 năm như dự án luật nêu ra. “Giá đất hấp dẫn lắm rồi, nhảy dựng đứng rồi, không cần lực hấp dẫn gì nữa đâu” - bà Thảo ví von.

Tác giả bài viết: TÁ LÂM
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp