Dẹp loạn 'rác' biển quảng cáo

Thứ ba - 10/04/2018 02:09
Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Sở VHTT Khánh Hòa đề nghị chấn chỉnh biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP Nha Trang.

Việc sử dụng tràn lan chữ viết nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo không những gây lộn xộn, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt. Các tỉnh đã ra quân xử phạt nhưng vẫn còn “rác” biển quảng cáo. Nhiều người bị xử phạt xong, một vài tháng sau, họ lại trưng biển hiệu mới với chữ ngoại to hơn, nhức mắt hơn.

Dùng biển chữ ngoại cho “sang mắt”?

Chục năm trở lại đây, trên các tuyến phố Hà Nội xuất hiện nhiều biển quảng cáo chữ Anh, Hàn, Nhật, Trung Quốc. Ở nhiều tuyến phố trong khu phố cổ Hà Nội như Hàng Bông, Nhà Thờ, Hàng Trống, trung tâm quận Hoàn Kiếm, các nhà hàng, khách sạn tràn ngập biển tiếng Anh.

Tại các con phố Trần Duy Hưng, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Thập, Hoàng Ngân, Linh Lang… “đậm đặc” các tấm biển hiệu, quảng cáo bằng chữ Hàn, chữ Nhật. Công trình, dự án cũng được đặt luôn bằng tiếng nước ngoài như Royal, Ciputra đến các trường mẫu giáo, họ cũng đặt tên, kẻ biển toàn bằng tiếng nước ngoài như: Happy baby, Sun red... Có cửa hàng, công ty còn “phá cách” dùng chữ ngoại ngô nghê: đường dây nóng “hotline” thì viết là “holine”, thức ăn nhanh “Fast food” thì viết thành “Fast foot”.

Không chỉ có ở Hà Nội, các tỉnh, thành nhất là nơi có khu du lịch, khu công nghiệp, các biển hiệu ngoại chữ: Anh, Nhật, Trung Quốc, Nga… “phong tỏa” khắp nơi như: Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Gia Lai, Nha Trang…

Đặc biệt, tại các tuyến phố Nha Trang, có khoảng 70%-80% cửa hàng  treo biển hiệu, bảng quảng cáo có tiếng Trung, tiếng Nga, một số ít ghi bằng tiếng Anh hoặc song ngữ. Một số bảng có in tiếng Việt nhưng kích thước rất nhỏ so với tiếng nước ngoài. Ở những nơi này, giữa “phố ta” mà cứ ngỡ như lạc vào khu phố “lẩu thập cẩm” các biển hiệu Á- Âu.

Sở dĩ nhiều người cho rằng, dùng biển quảng cáo chữ ngoại cho hội nhập quốc tế, đọc cho “sang miệng”, ngắm cho “sang mắt”. Nhưng ít người hiểu rằng đang để biển hiệu chữ ngoại lấn lướt rẻ rúng chữ nội. PGS.TS Lê Quý Đức - Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển chia sẻ, thực trạng bảng, biển quảng cáo bằng tiếng ngoài, xô bồ, tràn lan, vi phạm các quy định của Luật 

Quảng cáo không phải mới diễn ra. Hiện tượng này cũng đã được nhiều chuyên gia, các nhà văn hóa phê phán, đề xuất hướng xử lý. Bởi yêu ngôn ngữ cũng là sự tôn trọng Tổ quốc và tôn trọng chính mình. Ngôn ngữ là biểu tượng của đất nước. Vì thế, ngôn ngữ, chữ viết của Việt Nam phải được bảo tồn và phát huy. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo; trong đó có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân...

Kiểm tra, xử phạt chưa triệt để?

Cơ quan chức năng đã nhiều lần tiến hành thanh, kiểm tra tình trạng biển quảng cáo tiếng nước ngoài và xử phạt. Mới đây nhất, trong năm 2017, tại Hải Dương có 17 trường hợp vi phạm đã bị xử lý hành chính liên quan đến lĩnh vực quảng cáo gồm 15 công ty, chi nhánh công ty, 1 nhà hát và 1 cửa hàng kinh doanh.  Trong năm 2017, TP Nha Trang đã kiểm tra 133 trường hợp, lập biên bản xử phạt 21 trường hợp, phạt tiền trên 166 triệu đồng.

Như đã nói trên, việc sử dụng tràn lan chữ viết nước ngoài trên biển hiệu quảng cáo không những gây lộn xộn, mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc, sự trong sáng của tiếng Việt.

Khoản 2 Điều 18 Luật Quảng cáo quy định giới hạn và cách thức sử dụng chữ viết nước ngoài trên các biển hiệu: Trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt. Phần chữ nước ngoài không được lớn hơn 3/4 so với chữ tiếng Việt.

Quy định là vậy nhưng thực tế lại khác hoàn toàn. Hơn nữa, việc quản lý các biển hiệu quảng cáo hiện cũng tồn tại nhiều bất cập. Ví dụ như việc phân biệt giữa biển hiệu và biển quảng cáo chưa được thể hiện rõ trong văn bản liên quan. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn giữa hai loại biển mà còn gây khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng.

Đó là chưa kể tới việc, mức xử phạt với lỗi vi phạm “sản phẩm quảng cáo không có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt” (Khoản 2 Điều 66 Nghị định 158/2013) với mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng và buộc tháo dỡ biển hiệu còn quá nhẹ so với lợi nhuận kinh doanh của họ. Nhiều người bị xử phạt xong, một thời gian ngắn, khi không có đoàn kiểm tra, họ lại trưng biển hiệu mới với chữ ngoại to hơn, nhức mắt hơn.

Đầu tháng 4/2018, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL có văn bản gửi Sở VHTT Khánh Hòa đề nghị chấn chỉnh biển hiệu của các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP Nha Trang. Theo văn bản, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL về việc kiểm tra nội dung biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng tiếng nước ngoài không có chữ tiếng Việt tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, gây bức xúc trong dư luận. Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tỉnh Khánh Hòa báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10/4/2018. 

Ngoài Nha Trang, người dân mong các tỉnh, thành khác, các cơ quan chức năng cần mạnh tay dẹp loạn “rác” biển quảng cáo để giữ được bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt.

Tác giả bài viết: Thùy Dương
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp