Những ngày này, đi đến huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa của tỉnh Khánh Hòa, đâu đâu cũng nghe bàn tán chuyện cây tỏi, loại cây mà cách đây không lâu, người dân vẫn ví như “vàng trắng”. Chung quy là “vàng trắng” làm ra không tiêu thụ được, chất đống chờ mốc meo, khô tóp tại nhà dân lên đến hàng ngàn tấn. Trước đây, tỏi làm ra tới đâu tiêu thụ tới đó, có khi thương lái vô tận nhà cọc tiền trước vì sợ dân bán cho người khác, hoặc sợ người dân “ghim” hàng chờ tăng giá. Nhưng chuyện đó giờ đã là quá khứ!
Tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh - một vựa tỏi mới hình thành cách đây khoảng 5 năm, tỏi bán không ai mua, tiền tỷ của dân đang “bốc hơi” mỗi ngày sau những đợt nắng nóng kéo dài. Nông dân đang rơi vào vòng lẩn quẩn của nhiều loại cây trồng khác bởi chuyện “bí” đầu ra. Lúc trước, nhiều diện tích đất tại Vạn Hưng dành cho nuôi hải sản và trồng hoa màu nhưng do năng suất kém nên đa phần đất bị bỏ hoang. Từ ngày các triền cát dọc bãi biển Vạn Hưng được nhiều người lạ đến hỏi mua để trồng tỏi thì mọi chuyện lập tức thay đổi…
Anh Nguyễn Hòa Trung, một hộ dân trồng tỏi tại đây, cho biết, hồi có người xứ lạ đến hỏi mua đất trồng tỏi, dân làng xì xèo bàn tán, vì sao đất cát chỉ toàn vỏ nghêu, sò, san hô chết dày đặc, lại còn là nơi thiếu nước trầm trọng mà người ta tìm mua? Thế rồi, sau một vài tháng cải canh, những ruộng tỏi xanh ngắt mọc lên trên những mảnh ruộng cát pha khiến người dân Vạn Hưng thêm ngạc nhiên. Từ những ruộng tỏi nhỏ lẻ giữa những vùng cát trắng mênh mông, chẳng mấy chốc, cả huyện Vạn Ninh đã có hàng trăm người dân tham gia trồng tỏi với diện tích lên tới hàng trăm hécta.
Do phong trào trồng tỏi nở rộ, đất trồng tỏi tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa từ chỗ không ai mua, trở nên sốt với giá 300 - 400 triệu đồng/ha. Nhưng có đất thôi chưa đủ, muốn làm một hécta tỏi bài bản, chi phí còn ngốn gần nửa tỷ đồng, nhất là tiền mua cát từ nơi khác về trộn với đất, cát nơi đây để tạo nên chất đất phù hợp với cây tỏi. Dù mức đầu tư cho trồng tỏi rất cao, nhưng vì lợi nhuận mang lại khủng nên có rất nhiều người dân lao theo giấc mơ “vàng trắng”.
Bà Lê Thị Hạnh, một người dân trồng tỏi cho hay, mức đầu tư cao nhưng nếu thành công, chưa đầy 3 vụ tỏi, dân lấy lại toàn bộ vốn đầu tư, thậm chí có hộ có lời ngay sau 2 vụ mùa. Đã có lúc thương lái dành nhau thu mua khiến giá tỏi vượt ngưỡng 100.000 đồng/kg. Lợi nhuận từ cây tỏi rất lớn và thực tế nhiều hộ dân đã đổi đời.
Hệ quả phát triển nóng
Sau khi cây tỏi bén duyên trên đất Vạn Ninh, nhiều người dân chỉ biết mở rộng diện tích trồng mà không lường hết những rủi ro. Từ giữa năm 2018 đến nay, tỏi liên tục rớt giá, thương lái cũng chẳng thèm hỏi mua, hàng trăm tấn tỏi của nông dân các thôn Đông, Tây của xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh bị ứ đọng.
Theo tìm hiểu, vụ tỏi năm nay vừa khiến người trồng tỏi xã Vạn Hưng phấn khởi vì được mùa (năng suất đạt 10 tấn/ha, tăng 3-4 tấn/ha so với năm ngoái), thế nhưng giá tỏi đầu vụ chỉ ở mức trên dưới 40.000 đồng/kg, thấp hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với mọi năm. Thấy giá thấp, nhiều người dân sau khi thu hoạch đem phơi khô trữ lại, không xuất bán. Tuy nhiên, sau khoảng 5 tháng kể từ khi vụ tỏi kết thúc, nông dân đành thất vọng vì giá không những không tăng mà ngày càng giảm.
Nông dân Trương Minh Hoàng ở thôn Đông, xã Vạn Hưng - người gắn với cây tỏi từ 7 năm nay, cũng là người tiên phong nghề tỏi, vụ mùa này lần đầu tiên anh chịu cay đắng. Năm nay, gia đình anh tồn 10 tấn tỏi khô chưa bán, tương đương cả tỷ đồng và có thể mất trắng. Ông Trần Ngọc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Hưng, cho biết, toàn xã có khoảng 200ha trồng tỏi. Sơ bộ lượng tỏi tồn trong dân khoảng 200 tấn, chủ yếu là dân thôn Đông và Tây. Ông Phú cho rằng, do người dân có tâm lý giữ hàng chờ giá lên cao thêm rồi bán, nhưng thực tế năm nay nguồn cung tỏi nhiều, lúc người dân đồng loạt bán ra, giá giảm là có cơ sở.
Vạn Ninh và Ninh Hòa được xem là 2 vựa tỏi lớn của Khánh Hòa với diện tích trên 600ha, năng suất hơn 5.000 tấn tỏi khô/vụ, cao gấp 3 lần so với tỏi được trồng ở Lý Sơn. Mùa tỏi năm nay, mỗi hécta thu 12-15 tấn tỏi tươi, thậm chí nhiều hộ đạt năng suất 15-17 tấn/ha. Tuy nhiên, giá tỏi khô hiện chỉ 25.000 đồng/kg, bằng 1/4 lúc cao điểm. Cùng hoàn cảnh của những người dân huyện Vạn Ninh, những người trồng tỏi tại Ninh Hòa đang lo lắng vì tỏi chưa tiêu thụ được và chất lượng bắt đầu giảm. Ông Võ Ái Nhân, người đưa tỏi Lý Sơn vào Khánh Hòa và được xem là “vua tỏi” trên đất Khánh Hòa, cho biết, riêng Ninh Hòa có khoảng 500ha trồng tỏi, hiện còn khoảng 1.000 tấn đang tìm đầu ra.
Ông Võ Ái Nhân, “vua tỏi” trên đất Khánh Hòa, cho biết tỏi Khánh Hòa chính là giống tỏi Lý Sơn và chất lượng không thua gì tỏi Lý Sơn. Tuy nhiên, việc làm thương hiệu cho tỏi Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn. Các thương lái thường mua tỏi Khánh Hòa để gắn mác Lý Sơn. Nên chăng, thương hiệu tỏi Khánh Hòa cần phải được xây dựng và quảng bá mạnh hơn nữa. |