Khai thác công khai
Mới đây, có mặt tại khu vực Hố Mây, xã Cam Hiệp Bắc, chúng tôi thấy 3 xe máy xúc có công suất lớn đang khai thác đất… Nhìn từ xa, nơi đây như một công trường với ngổn ngang gò, ụ còn sót lại sau khi đất bị múc đi. Những mảng đồi xanh bị cào xúc nham nhở. Những quả đồi thoai thoải bị đào bới với diện tích tương đối lớn.
Bà H. - người dân sống gần khu vực Hố Mây cho biết, tình trạng khai thác đất ở đây diễn ra công khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Ngày mưa còn đỡ, những ngày nắng xe ra vào lấy đất làm bụi bay mù mịt. Nhiều tài xế còn chạy ẩu khiến người đi đường luôn nơm nớp lo xảy ra tai nạn giao thông.
Lần theo những xe tải chúng tôi phát hiện, các phương tiện này chở đất cho nhiều dự án trên địa bàn thị trấn Cam Đức và khu vực lân cận; nhiều xe chở theo hợp đồng san lấp nhà dân có nhu cầu. Để qua mặt cơ quan chức năng, các phương tiện này lưu thông trên nhiều tuyến đường khác nhau, trong đó có tuyến đường Lập Định - Suối Môn và các tuyến đường làng nhỏ hẹp, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Khó xử lý
Bà Nguyễn Thị Thãi - Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc xác nhận, trên địa bàn hiện có một số người dân ngoài địa phương tự ý đến khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép tại khu vực Hố Mây và Bến 2 với quy mô lớn. Tình trạng khai thác khoáng sản đã làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất; số lượng lớn xe vận chuyển làm sụt lún hư hỏng các tuyến đường, gây mất an toàn giao thông và bức xúc trong nhân dân. UBND xã đã trực tiếp kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền, nhưng vẫn không thể ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Được biết, trong quá trình kiểm tra, xử lý địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, như: thiếu nhân lực, phương tiện để thực hiện kiểm tra thu giữ tang vật tại hiện trường. Không chỉ vậy, các đối tượng khai thác không chấp hành giấy mời làm việc của UBND xã trong việc xác lập hoàn thiện hồ sơ xử lý. Xã cũng không có thẩm quyền để ngăn chặn xe chở đất lưu thông qua các tuyến đường ở địa phương. “Tình trạng khai thác đất diễn ra khá phức tạp và với quy mô lớn, vượt khỏi thẩm quyền xử lý của xã. Ngày 18-7, chúng tôi đã có văn bản gửi Công an huyện Cam Lâm, đề nghị lên kế hoạch chỉ đạo phối hợp hỗ trợ, giúp xã trong kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác đất trái phép trên địa bàn. Những ngày qua, chúng tôi phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường của huyện xử lý 2 vụ khai thác trái phép khoáng sản, tạm thu giữ các tang vật liên quan”, bà Thãi nói.
Tìm hiểu được biết, để hợp thức hóa việc khai thác đất, các đối tượng đầu nậu mua lại rẫy của người dân với giá rẻ, sau đó đưa phương tiện lên với lý do cải tạo vườn nhưng thực chất là để khai thác đất, mang đi bán cho những ai có nhu cầu san lấp. Khi lực lượng chức năng của xã đến kiểm tra, yêu cầu xuất trình giấy phép khai thác thì các đối tượng không có, có trường hợp đóng cửa xe bỏ đi nơi khác, không hợp tác. Một trong những điểm khiến địa phương không thể xử lý dứt điểm là khi kiểm tra, chỉ cần nghe “có động”, các phương tiện dừng hoạt động thì cơ quan chức năng chỉ lập biên bản hiện trường, trong khi theo quy định phải bắt quả tang mới có thể xử lý được.
Hậu quả của việc khai thác đất trái phép không chỉ làm nguồn tài nguyên của địa phương bị thất thoát mà còn khiến cho nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, trong khi ngân sách địa phương không đủ để bảo trì sửa chữa. Rất mong cơ quan chức năng rốt ráo vào cuộc xử lý triệt để tình trạng này.