Ám ảnh kinh hoàng và nỗ lực hồi sinh từ tay trắng ở vùng rốn lũ

Thứ tư - 26/12/2018 04:01
Sau cơn lũ quét xảy ra vào ngày 18/11, đến thời điểm hiện tại, người dân xóm Núi (tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn gặp nhiều khốn khó. Họ phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.

Những ngày cuối tháng 12, PV báo Người Đưa Tin trở lại vùng rốn lũ của tỉnh Khánh Hòa để ghi nhận cuộc sống của người dân nơi đây. Đã 1 tháng kể từ ngày cơn lũ đi qua, nỗi ám ảnh về trận "đại hồng thủy" vẫn còn đeo bám trong trí nhớ của người dân Khánh Hòa.

“Tôi chỉ nhớ lúc đó tôi đang ngủ thì nghe tiếng hô hoán của bà con. Và, tôi cũng bung mền cắm đầu chạy lên chỗ cao. Chỉ trong vòng 10 phút, cả xóm Núi bị nước nhấn chìm”, chị Trần Thị Mỹ (37 tuổi, ngụ xóm Núi) bàng hoàng kể lại.

Cơn lũ ngày 18/11 đã làm 40 căn nhà đổ sập, người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Ghi nhận của PV vào ngày 20/12 tại xóm Núi (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho thấy, người dân vẫn đang tất bật thu dọn tàn dư do bão gây ra.

c
Những người phụ nữ tại xóm Núi cũng tham gia vào công việc dọn dẹp, đổ bê tông để hoàn thành công trình để kịp đón Tết. (Ảnh: Duy Quan).
 
v
 
v
Ánh nắng gay gắt sau đợt mưa lũ càng làm hiện rõ hơn sự hoang tàn của xóm Núi. Đây đó trong xóm, nhiều người dân chạy lũ tranh thủ về nhà đào bới trong đống đổ nát để nhặt nhạnh đồ đạc, tìm kiếm vật nuôi còn sót lại. Từ đầu đến cuối xóm là cảnh tan hoang, ngập ngụa trong đất và đá. (Ảnh: Duy Quan).
 
c
Lũ đã rút, nhưng nhiều gia đình không còn nơi để trở về. Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, mọi tài sản cũng bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Người dân nơi đây như đang kiệt quệ, gạo ăn, nước sinh hoạt và các nhu yếu phẩm đã gần cạn kiệt. (Ảnh: Duy Quan).
 
c
Nhiều gia đình phải ra ngoài thuê nhà với mức giá dao động từ 1.000.000 – 2.500.000 đồng/tháng để làm nơi trú ngụ tạm thời. Những nhà không có điều kiện về lại chỗ cũ dựng tạm lều hoặc dùng tôn dựng lại trên nền nhà cũ để ở tạm. (Ảnh: Duy Quan).
 
v
“Bây giờ cả gia đình tôi phải di chuyển xuống đường Lê Hồng Phong để thuê trọ, tháng này tôi đã chi hết 1.500.000 đồng để đóng tiền thuê nhà. Tôi và vợ làm nghề may tại gia nhưng hiện tại 2 vợ chồng cũng thất nghiệp vì cơn lũ đã cuốn trôi hết cả hai bàn máy may rồi. Giờ tôi cũng đang lo không biết thời gian tới lấy đâu ra tiền để trang trải”, anh Nguyễn Thanh Sơn (ngụ xóm Núi) buồn bã nói. (Ảnh: Duy Quan).

Cùng chung cảnh ngộ, sau cơn lũ quét căn nhà của gia đình chị Phan Thị Loan (ngụ xóm Núi) cũng đã bị sập hoàn toàn. Gia đình chị phải đi ở trọ. "Tháng này tôi cũng đã đóng hết 1.500.000 đồng tiền thuê trọ. Không biết thời gian tới gia đình tôi sẽ thế nào nữa?", chị Loan lo lắng nói.

Trở về bản sau nhiều ngày cơn lũ đi qua, chị Trần Thị Kiều Oanh (ngụ xóm Núi) xót xa khi nhìn nhà cửa, tài sản trôi theo dòng nước lũ: “Không còn cái gì đâu, tủ lạnh, xe máy, tivi, máy quạt,… cái gì cũng  trôi hết. Bây giờ người dân chúng tôi phải ra ngoài ở tạm, không còn nhà để về nữa”.

v
Bên cạnh những ngôi nhà nghiêng ngả, đổ vỡ của người dân thì vấn đề điện nước cũng là nỗi lo canh cánh. Suốt một tháng nay, người dân xóm Núi phải sống trong cảnh thiếu nước, thiếu điện.“Để có nước và nguồn điện sinh hoạt, người dân phải đi kéo nhờ điện từ một hộ dân tên Thảo. Mỗi ký điện được tính 5.000 đồng, 1 khối nước 17.000 đồng”, anh Nguyễn Minh Kiên (ngụ xóm Núi) chia sẻ. (Ảnh: Duy Quan).
 
c
Một số nơi đã được người dân dọn dẹp gọn gàng, xe máy có thể lưu thông được. (Ảnh: Duy Quan).

Hàng chục hộ trong xóm chốc lát đã trở về cảnh tay trắng: Nhà cửa chìm dưới lớp đất đá, không quần áo, không chăn màn, không giấy tờ tuỳ thân. Những gia đình khác may mắn còn nhà thì cũng thiệt hại nặng nề khi bị lũ xé qua gây hư hại nặng.
 
c
Vượt qua nỗi đau mất mát, chị Trần Thị Kiều Oanh cũng xắn tay áo để cùng người dân xóm Núi đổ bê tông con đường dẫn lên xóm. (Ảnh: Duy Quan).
 
c
Sau những ngày vất vả, hôm nay con đường mòn chính dẫn lên xóm cũng đã cơ bản được hoàn thành. Các em học sinh đã đi lại thuận lợi. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: “Đợt lũ xảy ra vào ngày 18/11 đã gây thiệt hại nặng nề cho bà con xóm Núi, nhưng với quyết tâm gượng dậy sau bão thì bà con đã chủ động dọn dẹp và ở địa phương cũng hỗ trợ lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả trong thời gian nhanh nhất để kịp đón xuân Kỷ Hợi 2019”. (Ảnh: Duy Quan).

Những ngày cuối năm 2018, người dân xóm Núi vẫn còn bộn bề gian khó, những thiệt hại do lũ gây ra còn rất lâu nữa họ mới có thể khắc phục và ổn định được cuộc sống.
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp