Nhiều điều khoản bất lợi đối với khách hàng
Theo hồ sơ, những người khởi kiện Công ty Vịnh Thiên Đường là các khách hàng đã ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ để sở hữu kỳ nghỉ tại khu nghỉ dưỡng Alma ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) do công ty này làm chủ đầu tư. Theo hợp đồng đã ký, mỗi kỳ nghỉ là một tuần. Người mua kỳ nghỉ sẽ được mua bán, chuyển nhượng cho người khác hoặc được trao đổi kỳ nghỉ tại một số nơi khác trên thế giới. Người mua kỳ nghỉ thanh toán tiền nhiều đợt theo tiến độ xây dựng dự án của chủ đầu tư. Nhiều người đã đóng hàng trăm triệu đồng để mua hoặc đặt chỗ sở hữu kỳ nghỉ.
Sau khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ, nhiều khách hàng mới phát hiện hàng loạt điều khoản bất lợi cho mình. Các khách hàng cho rằng hình thức này không có khả năng sinh lợi như giới thiệu của chủ đầu tư. Mặt khác, nhiều điều khoản rắc rối, phức tạp, không khả thi, chỉ có lợi cho chủ đầu tư, khách hàng bị rủi ro cao. Nhiều khách hàng yêu cầu Công ty Vịnh Thiên Đường chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền đã đóng nhưng công ty không chấp nhận. Thậm chí có khách hàng chấp nhận bỏ số tiền đã đóng nhưng chủ đầu tư vẫn không đồng ý. Do đó, nhiều khách hàng khởi kiện ra TAND TP Nha Trang, yêu cầu tòa hủy hợp đồng, buộc Công ty Vịnh Thiên Đường trả lại tiền.
Theo Sở Kế hoạch- đầu tư tỉnh Khánh Hòa, đến nay đã có gần 10.000 khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hoặc hợp đồng đặt chỗ với Công ty Vịnh Thiên Đường.
Xử theo luật nào?
Trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ có quy định “Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) giải quyết tranh chấp giữa các bên và được thực hiện bằng tiếng Anh”. Thậm chí, hợp đồng quy định sẽ giải quyết theo luật của Israel- quốc tịch của người đại diện theo pháp luật của Công ty Vịnh Thiên Đường. Do đó, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng, nhiều khách hàng ngớ người vì không biết khởi kiện ở đâu. Sau đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty Vịnh Thiên Đường điều chỉnh hợp đồng, giải quyết mọi tranh chấp theo pháp luật Việt Nam.
TAND TP Nha Trang xác nhận trước đây tòa này không thụ lý các đơn khởi kiện trên với lý do cho rằng không thuộc thẩm quyền. Sau khi có nhiều người khiếu nại, khởi kiện, TAND tỉnh Khánh Hòa có văn bản yêu cầu TAND TP Nha Trang phải thụ lý giải quyết các vụ kiện trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam. Do đó, sau hơn 10 tháng nhận đơn khởi kiện, đến tháng 3-2018 TAND TP Nha Trang mới bắt đầu lần lượt thụ lý giải quyết các đơn kiện.
Theo một cán bộ Sở Kế hoạch đầu tư Khánh Hòa, hiện pháp luật Việt Nam chưa có quy định nào liên quan đến hình thức mua bán sở hữu kỳ nghỉ. “Đây là hình thức mua bán dịch vụ nhưng lại liên quan nhiều vấn đề khác lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Công ty Vịnh Thiên Đường được soạn sẵn rất dày, ngay cả nhiều cơ quan chức năng đọc cũng không hiểu hết nói chi đến người dân bình thường. Do hình thức mới, chưa có quy định nên nguy cơ rủi ro rất lớn. Việc giải quyết tranh chấp giữa các bên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, cần có sự cảnh báo rộng rãi hơn đến người dân để họ tìm hiểu kỹ trước khi ký kết loại hợp đồng này”- vị cán bộ Sở Kế hoạch đầu tư thông tin.
UBND tỉnh Khánh Hòa từng khuyến cáo
Đầu năm 2018, UBND tỉnh có công văn giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các sở Tư pháp, Công Thương, TT&TT, Hội Luật gia, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng các ngành, địa phương liên quan làm việc trực tiếp với Công ty Vịnh Thiên Đường về nội dung hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ để chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm theo quy định (nếu có).
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường thông tin, khuyến cáo rộng rãi cho người dân biết nên tham vấn các cơ quan chuyên môn, các tổ chức hành nghề luật sư trước khi tham gia ký kết để nhằm tránh thiệt hại, rủi ro trước hình thức kinh doanh mới này.