Đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ làm trước 600 km

Thứ ba - 13/11/2018 20:40
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 58 tỷ USD sẽ khai thác trước 600km đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang – TPHCM.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa tổ chức nghe liên danh tư vấn TEDI - TRICC - TEDISOUTH và nhóm nghiên cứu của JICA báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo báo cáo tiền khả thi, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư khoảng 58,71 tỷ USD, khai thác riêng tàu khách với chiều dài 1.545 km và vận tốc tối đa 320 km/h.

Giai đoạn đầu đến năm 2030 sẽ triển khai xây dựng và đưa vào khai thác đối với 2 đoạn là Hà Nội -  Vinh (dài 282,65 km) và Nha Trang – TPHCM (dài 362,15 km); Giai đoạn 2 (2030-2040 hoặc 2045) đưa vào khai thác đoạn Vinh – Nha Trang để nối thông toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Theo đó, kết quả nghiên cứu của dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam có điểm đầu nằm tại ga Hà Nội, điểm cuối của dự án nằm ở ga Thủ Thiêm, quận 2 TPHCM. Tại 2 đầu Hà Nội và TPHCM sẽ được kết nối với mạng lưới đường sắt đô thị.

"Siêu dự án" này được đề xuất có tổng chiều dài 1.545 km (cầu chiếm khoảng 60%, hầm chiếm khoảng 10%, đường chiếm khoảng 30%), đường đôi, khổ 1435 mm - điện khí hoá; bao gồm: 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
 

db
Để đạt tốc độ tối đa, tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ chủ yếu đi qua cầu và hầm, chiếm 70% quãng đường.

Kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT cho biết, giai đoạn đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ khai thác với tốc độ 200 km/h, về lâu dài có thể khai thác với tốc độ tối đa 320 km/h (tốc độ thiết kế là 350 km/h).

Về phương án lựa chọn công nghệ, đường sắt tốc độ cao sử dụng công nghệ động lực đoàn tàu phân tán (EMU) và tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng vô tuyến điện.

Phương án đầu tư của dự án theo hình thức đầu tư công hoặc hình thức đối tác công tư – PPP (nhà nước đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu).

Giá vé đường sắt cao tốc Bắc – Nam bằng 50% vé máy bay

Theo báo cáo của liên danh tư vấn, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới có khổ lớn 1435, chạy song song với tuyến đường sắt hiện hữu. Tuyến đường sắt cũ sẽ sử dụng vận chuyển hàng hoá và hành khách với chặng ngắn, còn tuyến đường sắt tốc độ cao để vận chuyển hành khách Bắc- Nam.
 

fg
Tương lai, tuyến đường sắt cũ sẽ sử dụng vận chuyển hàng hoá và hành khách với chặng ngắn, còn tuyến đường sắt tốc độ cao để vận chuyển hành khách Bắc- Nam.

"Việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao sẽ giúp rút ngắn thời gian đi lại, phát triển các trung tâm đô thị mới và khiến dòng di dân thay đổi dọc theo tuyến cao tốc, khiến phân bổ dân cư và sự chia sẻ văn hoá vùng miền tốt hơn; giá trị sử dụng đất ở các địa phương có tuyến đường sắt đi qua tăng lên...", đại diện tư vấn nói.

Liên danh tư vấn đề xuất công nghệ để tàu tốc độ cao chạy trên đường ray với tốc độ khai thác tối đa 320 km mỗi giờ. Giá vé giai đoạn đầu sẽ bẳng 50% vé máy bay, vé loại cao nhất bằng 75% giá vé máy bay.

Trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2019

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình có sức lan tỏa, kết nối vùng miền rất lớn, phù hợp với tính toán xu hướng phát triển.
 

rfh
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ được trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2019 để triển khai.

“Tôi đánh giá dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế dịch vụ. Vì vậy, nên quyết định chủ trương dự án đầu tư ngay từ bây giờ”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Cũng theo TS. Nghĩa, không nên đặt nặng hiệu quả tài chính, kinh tế của dự án như các dự án khác. Dự án cần có thời gian triển khai nhanh và ngắn hơn so với đề xuất thực hiện trong vòng 30 - 40 năm. Chỉ có như vậy mới thu hút được nhà đầu tư tham gia.

Còn TS. Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và vận tải đường sắt cho rằng, kết quả nghiên cứu tiền khả thi của tư vấn khá thuyết phục, nêu rõ phương án phân kỳ đầu tư, phương án huy động 80% nguồn vốn từ Nhà nước và 20% vốn tư nhân. “Nguồn vốn huy động từ nhà đầu tư phụ thuộc vào phân kỳ đầu tư, nếu phân kỳ dài quá, đến 30-40 năm thì nhà đầu tư không thể chờ được, cần thời gian ngắn hơn”, TS. Bùi Xuân Phong nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã trải qua hơn 10 năm nghiên cứu. Việc tổ chức hội thảo này nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin, công khai, minh bạch để lấy ý kiến rộng rãi các nhà bộ, ngành, địa phương, chuyên gia.

“Trong kịch bản đầu tư hạ tầng, tư vấn cần đưa thêm kịch bản đầu tư theo phương án “bổ dọc” và so sánh các phương án. Bộ GTVT sẽ tiếp tục tổ chức các hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia góp ý để hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi cuối kỳ trong tháng 11/2018 để hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền, Chính phủ”, Thứ trưởng Đông cho hay./.

- Tính toán nhu cầu nhân lực để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao, liên danh tư vấn cho hay giai đoạn từ 2030 đến 2050 sẽ cần gần 14.000 người, bằng một nửa số nhân lực đường sắt hiện tại (hơn 26.880 người).

- Về mô hình quản lý khai thác, Bộ GTVT cho rằng cần thành lập một công ty đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao và thành lập 1 công ty vận tải đường sắt tốc độ cao. Công ty này sẽ đầu tư phương tiện, tổ chức vận hành khai thác và bảo dưỡng hạ tầng, phương tiện và trả phí thuê cơ sở hạ tầng cho công ty đầu tư và quản lý hạ tầng.

- Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, số tiền 58,71 tỷ USD cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam mới chỉ là chi phí đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị. Còn khi vận hành, thời gian đầu sẽ lỗ, nhà nước phải hỗ trợ 10-12 năm qua chi phí duy tu, bảo dưỡng.

Tác giả bài viết: Phi Long/VOV.VN
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp