"Cặp đôi hoàn hảo", nàng cử nhân, chàng kỹ sư về quê trồng nấm rơm

Thứ ba - 13/11/2018 20:45
Tốt nghiệp đại học ngành điện - điện tử, nhưng Phạm Duy Chiến (sinh năm 1994, xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại rất thích trồng nấm rơm. Tình yêu với nấm của anh đã lan sang cả người bạn gái, để rồi cả hai quyết định khởi nghiệp bằng trồng nấm rơm.

Duyên nợ với nấm

Tại trại nấm của Chiến ở xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, 10 căn nhà trồng nấm rơm đang cho nấm rất đều. Chiến kể, học ngành điện - điện tử của Trường Đại học Nha Trang, năm 2017, Chiến làm đồ án tốt nghiệp với đề tài: “Quản lý nhiệt độ, độ ẩm ở trang trại trồng nấm rơm”.

Cũng từ đây, anh say mê tìm hiểu rồi thích nghề trồng nấm lúc nào không hay. Cứ có thời gian là anh lại lên mạng tìm hiểu thông tin, xem các video clip về kỹ thuật trồng nấm rơm… Chiến còn chia sẻ niềm đam mê trồng nấm với bạn gái là Nguyễn Huyền Minh Thư (sinh năm 1995, tốt nghiệp ngành lịch sử thế giới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh).
 

Khi biết các con theo đuổi nghề trồng nấm, gia đình Chiến và Thư tuy không phản đối nhưng cũng không vui vẻ. Hè 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, Chiến và Thư đã đi làm thêm, dành dụm tiền để học nghề trồng nấm. Trung tâm Đào tạo - nghiên cứu và phát triển nấm, Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) là địa chỉ để đôi bạn trẻ gửi gắm niềm đam mê.

“Trong khoảng 2 tuần, chúng tôi được dạy kỹ thuật trồng nấm rơm theo kiểu cầm tay chỉ việc, thực hành tất cả các khâu một cách thuần thục. Sau đó, chúng tôi được đi tham quan một số trang trại trồng nấm ở miền Bắc để học hỏi kinh nghiệm trồng nấm rơm...”, Thư cho biết.

Khởi đầu từ những gian nan

Sau khi hoàn thành khóa học trồng nấm, thay vì xin đi làm thêm ở các trại nấm để tích lũy kinh nghiệm như gợi ý của thầy giáo, Chiến và Thư quyết định tự mình thử nghiệm trên 150m2 đất để không của gia đình Chiến, với số vốn ban đầu 50 triệu đồng mượn từ gia đình.

Vụ đầu tiên làm nấm rất thành công. Tuy nhiên, đến vụ thứ hai, thứ ba… nấm bắt đầu ít lại và 3 vụ tiếp đó, đôi bạn trẻ đã thất bại hoàn toàn. “Cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã khiến toàn bộ rơm để dành làm nấm bị ướt sạch, trong khi chờ rơm khô thì nấm giống đã bị hư mà chúng tôi không biết nên không cho năng suất cao. Đợt tiếp đó, thay vì để rơm trên giá sắt, chúng tôi lại có “sáng kiến” dùng rổ tre đựng rơm để treo lên cho dễ chăm sóc, thu hoạch nấm. Không ngờ, trong rổ tre đã ủ sẵn mầm bệnh nên nấm bị bệnh không lên nổi”, Chiến chia sẻ.

Thành công từ việc làm trại nấm thử nghiệm đã tăng thêm niềm tin cho đôi bạn trẻ, cũng như gia đình họ. Mới đây, gia đình của Chiến đã quyết định đầu tư vốn để xây dựng trại nấm với quy mô lớn ở xã Diên Thọ.

Với khoảng 800 triệu đồng (chưa tính tiền đất), sau nhiều nỗ lực, Chiến cùng các cộng sự đã cho ra trại nấm với 10 nhà nấm, diện tích 60m2/nhà. Với số lượng này, trang trại nấm CT farm của Chiến có thể cung cấp ra thị trường mỗi ngày từ 80 - 100kg nấm.

Hiện nay, Chiến và Thư đang trực tiếp giao nấm rơm cho khách hàng quen với giá 100.000 đồng/kg với nấm loại 1, ngoài ra còn bỏ mối cho các tiểu thương ở chợ.

Hiện nay, CT farm hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân, trong đó ban quản lý gồm 3 người phụ trách các mảng như: kỹ thuật, bán hàng, phát triển thương hiệu. Ngoài ra, trang trại còn giải quyết việc làm cho 8 lao động người Raglai.

“Tôi đang cho in lại bao bì để phát triển thương hiệu nấm sạch CT farm. Dự kiến trong khoảng 1 năm, trang trại sẽ thu hồi vốn đầu tư ban đầu, từ đó sẽ phát triển quy mô sản xuất, ký hợp đồng cung cấp thường xuyên cho các vựa nông sản…”, Chiến nói về dự định sắp tới.
Đôi bạn trẻ phải bán đi chiếc máy ảnh để tiếp tục mua nấm giống, trang trải chi phí sinh hoạt. Và rồi họ đã liên tiếp có 5 vụ nấm thành công với tỷ lệ nấm phát triển ổn định. Chiến và Thư bắt đầu với việc bán sản phẩm trên Facebook với nhãn hiệu CT farm. Để tạo niềm tin cho khách hàng, 2 bạn trẻ đã tự tay làm bao bì, trực tiếp giao nấm cho khách.

Tác giả bài viết: Theo Xuân Thành (Báo Khánh Hòa)
Nguồn tin: danviet.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp