Đã gần 2 năm trôi qua kể từ khi cơn bão số 12 (năm 2017) đổ bộ vào Khánh Hòa, gây thiệt hại lớn cho người nuôi trồng thủy sản (NTTS) huyện Vạn Ninh, nhiều hộ trắng tay sau bão vẫn gánh món nợ tiền tỷ từ ngân hàng. Họ trông mong được khoanh nợ để giảm bớt phần nào khó khăn...
Gánh nặng nợ nần
Sau cơn bão kinh hoàng, chồng bà Nguyễn Thị Mỹ Rơi (tổ 9, thị trấn Vạn Giã) đã không trở về; mẹ con bà mất đi người đàn ông trụ cột của gia đình. Thêm vào đó, những lồng tôm đến ngày thu hoạch trị giá gần chục tỷ đồng cũng tan tành trong bão. Mất người, mất của, nỗi đau chồng chất. Gia đình bà còn món nợ ngân hàng 1,85 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh Vạn Ninh, sau gần 2 năm tăng thêm hơn 300 triệu đồng tiền lãi. Trong khi nhiều người NTTS cố gượng dậy sao bão, gia đình bà Rơi đã nghỉ hẳn làm biển. Bà Rơi nghẹn ngào khi chạm vào ký ức đau thương: “Lúc đầu ai cũng nghĩ bão không lớn. Ông ấy ở ngoài đó giữ bè, gia đình vẫn liên lạc được, cho đến cuộc gọi cuối cùng lúc 5 giờ 15 phút… Số tôm đã định vài ngày nữa thu hoạch mất trắng; thiệt hại đến gần 10 tỷ đồng. Người không còn, gia đình tôi cũng không còn tiền để làm lại. Số tiền nợ vay mượn bên ngoài thì ít nhưng số nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng chưa trả được. Sau bão, tôi nghe nói được khoanh nợ nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt. Bây giờ tôi chỉ có thể trông đợi Chính phủ duyệt cho khoanh nợ mà thôi”.
Gần 2 năm trở lại, vùng NTTS Vạn Thạnh đang dần phục hồi. Mất trắng sau bão, nhiều hộ chạy vạy vay mượn mọi nguồn đóng lại lồng bè, thả cá, tôm giống chật vật gượng dậy. Suốt đời, ông Nguyễn Thanh Sang (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) không bao giờ quên nỗi sợ hãi, kinh hoàng giữa lằn ranh sinh tử trong suốt hơn 10 giờ ôm can nhựa trôi trên biển trong bão gió cho đến khi được cứu. Thế nhưng, nuôi biển là sinh kế của gia đình đã gần 20 năm nên sau bão, ông lại vay mượn khắp nơi để chung vốn khôi phục lại lồng bè ở khu vực Bãi Tranh. Ông Sang chia sẻ: “Bè tôi có 140 ô lồng nuôi tôm, mất trắng hoàn toàn, thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Thấy hoàn cảnh khó khăn, anh em, bà con giúp đỡ cho vay ít nhiều để chung vốn gây dựng lại. Tôi vay Agribank Chi nhánh Vạn Ninh 950 triệu đồng nhưng không còn gì để trả nợ. Gần 2 năm rồi, tôi cũng như nhiều người NTTS ở Vạn Ninh mong mỏi được khoanh nợ và tiếp tục cho vay vốn để tái sản suất”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Xuân Tân (thị trấn Vạn Giã) cho biết, gần 20 năm làm biển, vốn liếng tích cóp NTTS đã mất hết. Gia đình ông bị thiệt hại khoảng 5 - 6 tỷ đồng. Hiện nay, ông đang nuôi 100 lồng tôm hùm và cá chim chờ thu hoạch lứa đầu sau bão. Ông Tân cho biết: “Đóng 1 ô mới cũng 10 triệu đồng, còn tiền giống, thức ăn. Toàn tiền vay mượn, vì thấy mình mất hết nên bà con, anh em hỗ trợ cho vay tiền gầy dựng lại. Tôi vẫn còn nợ ngân hàng 1 tỷ đồng. Tôi cũng cố gắng làm lại để còn trả nợ cho bà con, ngân hàng nhưng năm nay, tôm hùm và cá đều rớt giá nên mùa này cũng không chắc thắng. Tôi mong các cấp chính quyền quan tâm giúp người NTTS Vạn Ninh được khoanh nợ, đỡ được tiền lãi, nhẹ bớt gánh nặng trả nợ; tiếp tục cho vay để có vốn xoay sở gượng dậy làm lại”…
Vẫn chờ phê duyệt
Trong thời gian khoanh nợ, tổ chức tín dụng không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng. |
Theo ông Trần Văn Sĩ - Giám đốc Agribank Chi nhánh Vạn Ninh, chi nhánh đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả sau bão như: cho vay mới 426 món, dư nợ 259,8 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249 khách hàng với 329 món vay, dư nợ cơ cấu 81,2 tỷ đồng; đề nghị khoanh nợ cho 246 khách hàng với 277 món vay, dư nợ đề nghị khoanh 62,2 tỷ đồng, thời hạn đề nghị khoanh nợ là 2 năm. Đến nay, 100% khoản vay đề nghị khoanh nợ đã được chi nhánh cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, nhiều khoản nợ chờ khoanh đã chuyển nợ quá hạn và một số khoản đã chuyển sang nợ xấu. Cụ thể, 13,5 tỷ đồng của 32 khách hàng đã chuyển sang nợ quá hạn, 4,8 tỷ đồng của 6 khách hàng đã chuyển thành nợ xấu. Nếu chưa được phê duyệt khoanh nợ, dự kiến, đến cuối năm 2019, tất cả các khoản đề nghị khoanh nợ sẽ chuyển thành nợ xấu. Việc nợ xấu tăng cao vừa ảnh hưởng đến bà con, vừa ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chi nhánh. Vì thế, ngân hàng cũng như bà con mong Thủ tướng Chính phủ quan tâm phê duyệt khoanh nợ để bà con yên tâm sản xuất.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, sau bão 12, số hộ NTTS trên địa bàn huyện bị thiệt hại lớn với 61.798 lồng và 753ha ao, đìa NTTS bị thiệt hại hoàn toàn. Trên địa bàn huyện có 246 hộ vay vốn ngân hàng NTTS bị thiệt hại đề nghị khoanh nợ nhưng chưa được phê duyệt, nên bà con khó vay vốn khôi phục sản xuất, ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế trong 2 năm qua ở địa phương. UBND huyện đã kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ khoanh nợ cho bà con.
Theo ông Nguyễn Hoài Chiểu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, chi nhánh đã phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh và ngày 5-7-2018, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính xem xét, quyết định khoanh nợ cho 249 khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 12 (tập trung ở địa bàn huyện Vạn Ninh) với số tiền đề nghị khoanh nợ 68,19 tỷ đồng, thời gian khoanh nợ 2 năm tính từ tháng 7-2018. Ngày 22-1, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm ban hành quyết định khoanh nợ cho các trường hợp đã trình. Nhưng đến nay, hồ sơ khoanh nợ vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt.
Sau gần 2 năm chờ đợi, người NTTS ở Vạn Ninh bị thiệt hại do bão mong mỏi được khoanh nợ và tiếp tục được vay vốn để khôi phục sản xuất.
N.D