Kịch bản nào sẽ xảy ra sau "lệnh” tạm dừng chuyển đổi đất phân lô tách thửa ở đặc khu?

Chủ nhật - 06/05/2018 00:00
Mới đây, chính quyền các điểm nóng vi phạm về đất đai đã đồng loạt có chỉ đạo, tạm dừng việc chuyển đổi đất phân lô tách thửa tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) sau thời gian cơn sốt bất động sản diễn ra phức tạp gây bức xúc trong dư luận.

Tình trạng một số đơn vị cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý đất đai nên để xảy ra một số trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép, san gạt, lấn chiếm đất đai; việc xử lý vi phạm của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời. Nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại huyện Vân Đồn, Quảng Ninh thời gian qua, ngày 3/5, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc đã trực tiếp đi kiểm tra và có buổi làm việc với huyện Vân Đồn. 

Trước thực trạng này, huyện Vân Đồn đã và đang thực hiện tăng cường việc kiểm tra, rà soát về đất đai; nghiêm cấm việc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý chặt chẽ việc chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất; tạm dừng việc tách thửa đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; tạm dừng việc thỏa thuận địa điểm, thỏa thuận nhiệm vụ Quy hoạch các dự án mới trên địa bàn KKT Vân Đồn… 

Lãnh đạo Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, kiểm điểm nhiều cán bộ vi phạm. Trong khi Nhà nước đã bỏ ngân sách lớn để đầu tư hạ tầng giao thông trên địa bàn, thì vô hình trung lại tạo điều kiện cho một số đối tượng đầu cơ trục lợi "lách" luật để buôn bán trao tay đất đai, đẩy giá đất lên cao. Tỉnh Quảng Ninh sẽ tạm dừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tạm dừng giao đất cho các tổ chức, dự án; tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện Vân Đồn, trường hợp đặc biệt phải báo cáo tỉnh xem xét, quyết định. 

Liên quan tới các chỉ đạo tạm dừng này, ông Nguyễn Văn Đính – Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc ngăn chặn hiện tượng giao dịch, mua bán đất đai trái quy định pháp luật, đầu cơ đẩy giá bất động sản, tạo thị trường ảo và bong bóng giá trị bất động sản là hết sức cần thiết và bằng sự vào cuộc kiểm soát chặt chẽ, quyết liệt của quản lý Nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo việc dừng mọi giao dịch mua bán nhà đất chờ phê duyệt quy hoạch là không nên. Bởi, “việc tạm dừng các chuyển đổi, giao dịch đất trên địa bàn sẽ tạo sự đóng băng thị trường bất động sản, gây hậu quả sẽ rất nặng nề khó hồi phục lại trong một thời gian dài. Có thể sẽ lan tỏa cả thị trường bất động sản toàn tỉnh Quảng Ninh”, ông Đính nhận định. 

Hệ quả của việc tạm dừng này sẽ làm nản lòng các nhà đầu tư thực sự, chân chính đang tham gia tại địa phương. Thậm chí cả các nhà đầu tư tương lai sẽ quay lưng với thị trường bất động sản Quảng Ninh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng mục đích đưa Vân Đồn thành đặc khu kinh tế của Chính phủ. Bên cạnh việc đưa ra các kịch bản xấu khi "lệnh” tạm dừng được thực hiện, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam còn đưa ra một số kiến nghị giải pháp liên quan tới kiểm soát, thanh tra, công bố thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương, dự án đủ điều kiện bán hàng. Thứ nhất, cần kiểm soát chặt chẽ, nghiêm cấm mọi hiện tượng thu mua gom đất, chia nền bán trái quy định phát luật. 

Đặc biệt là đất nông nghiệp và đất rừng. Thứ hai, công bố thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, nội dung đang nghiên cứu quy hoạch tại địa phương. Thứ ba, công bố danh mục những dự án đủ điều kiện bán hàng. Và yêu cầu các dự án đó phải công khai thông tin mua bán trên các trang tin của cơ quan quản lý chức năng địa phương. Thứ tư, thanh tra chuyên nghành hoạt động, phân phối, môi giới BĐS tại địa phương, các sàn giao dịch BĐS, các văn phòng nhà đất, môi giới BĐS nếu không đăng ký kinh doanh, không có chứng chỉ hành nghề phù hợp quy định phát luật phải kiên quyết xử lý theo luật định. Thứ năm, thực hiện đúng nghị định 117/2015/NĐ – CP về xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Để công bố định kỳ, công khai cho các nhà đầu tư hiểu rõ tình hình thị trường BĐS địa phương. Trong đó nên rõ thực trạng thị trường, xu hướng giao dịch, biến động giá cả, chỉ số giá, chỉ số giao dịch. Thứ sáu, giúp thị trường và các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để đưa ra các quyết định đầu tư… 

Bình luận về vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng các nơi được quy hoạch phát triển là đô thị, đặc khu thì có thể giá đất tăng cũng là đúng quy luật. Vì thế mà có những người dựa vào điểm này để buôn bán, lướt sóng để đầu cơ đẩy giá đất lên cao, tạo sốt đất ảo. Việc cơ quan quản lý nhà nước ban hành lệnh cấm chuyển nhượng đất có thể là một giải pháp hữu hiệu ngăn sốt ảo, nhưng giải pháp này lại không phù hợp pháp luật. Theo quy định của pháp luật về đất đai của Việt Nam thì quyền chuyển nhượng chỉ bị cấm khi Nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất. Theo ông Võ, vấn đề là phải công khai quy hoạch và những nơi nào thu hồi đất để giao cho dự án đầu tư, khu vực nào phát triển nông nghiệp… Từ đó, mọi người đều hiểu rõ đất nào có thể sinh lợi khi nhận chuyển nhượng và đất nào không thể. 

GS Đặng Hùng Võ phân tích thêm, thông tin về quy hoạch, minh bạch thông tin về pháp luật, thủ tục hành chính, định hướng phát triển đặc khu cần được công khai, minh bạch cho người dân biết. Từ đó, người dân sẽ tự biết đánh giá rủi ro trước khi quyết định có nên hay không nên đầu tư hay không. Về lâu dài, ông Võ cho rằng, Việt Nam cần tính tới sắc thuế đánh vào giá trị tăng thêm của đất đai mà không do người sử dụng đất đầu tư mang lại. Thuế này nhằm thu lại phần giá trị đất đai tăng thêm do Nhà nước đầu tư, người khác đầu tư và kể cả do sốt đất tạo nên./.

Tác giả bài viết: Bảo Anh
Nguồn tin: congluan.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp