Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ info@tintuckhanhhoa.com, cảm ơn !

Khánh Hòa: Người dân khốn khổ vì mất đất canh tác mà chưa được đền bù thỏa đáng

Thứ tư - 28/06/2017 22:32
Xã bất ngờ cho thuê đất của dân mà không có sự thỏa thuận, hỗ trợ thỏa đáng, đẩy gia đình anh Khiết vào tình thế khốn đốn.

Gia đình anh Trần Khiết (ở xã Ninh Hưng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được UBND xã ký giấy kê khai đăng ký quyền sử dụng đất.

Trong đó khẳng định, đất đã sử dụng ổn định, không tranh chấp. Vậy nhưng, sau đó xã lại bất ngờ cho người khác thuê làm trang trại trên diện tích này mà không có sự thỏa thuận, hỗ trợ thỏa đáng, đẩy gia đình anh Khiết vào tình thế khốn đốn, phải cầu cứu khắp nơi.

Bất ngờ cho người khác thuê đất

Theo anh Khiết, diện tích đất trên đã được cha ông khai khẩn và canh tác từ hơn 30 năm trước. Ngày 13/01/2015, ông Võ Quang Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng đã ký giấy chứng nhận kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, diện tích trên 1ha này cho gia đình anh Khiết.

Trong giấy chứng nhận ghi rõ: Có 1ha đất trồng mía, thời gian sử dụng đã 50 vụ và 5.000m2 đất trồng lúa, đã sử dụng 30 vụ. Tất cả diện tích này sử dụng ổn định, không tranh chấp. Ở địa phương ai cũng biết gia đình anh Khiết có hoàn cảnh rất khó khăn.

Gia đình anh từng tham gia chương trình “Vượt lên chính mình” mới có thể trả nợ và có được một số vốn nho nho để làm ăn. Sau khi được xã ký chứng nhận, gia đình anh Khiết dốc toàn tâm huyết và số tiền được chương trình “Vượt lên chính mình” cấp vốn để đầu tư canh tác và chăm sóc hoa màu trên diện tích đất này.

Vậy mà bất ngờ, ngày 24/8/2016, UBND xã Ninh Hưng lại cho ông Trần Minh Quý thầu diện tích đất này làm trang trại chăn nuôi. Sau khi được cho thầu, ông Quý liên tục cho phương tiện xuống ủi hoa màu của anh Khiết khi cả hai bên chưa có những thỏa thuận được thống nhất.

Gia đình anh Khiết quá bất ngờ trước hành động của xã, bởi họ vừa ký chứng nhận đất gia đình anh sử dụng mấy chục mùa vụ không tranh chấp nhưng giờ lại cho người khác thầu. Xót của, xót mồ hôi chăm sóc mía, keo suốt bao năm nên gia đình phải lao đến trước máy ủi của ông Quý hòng ngăn chặn lại. Nhiều ngày gia đình anh Khiết bấn loạn, điêu đứng.

Trước tình cảnh khốn đốn trên, gia đình anh Khiết gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Ngày 3/3/2017, UBND xã Ninh Hưng mời các bên liên quan tổ chức đối thoại.

Trích xuất lịch sử nguồn gốc, UBND xã Ninh Hưng cho rằng: Đất này trước đây do HTX điều Ninh Hòa trồng điều cho Nhà nước. Sau khi HTX giải thể, UBND xã tiếp nhận và cho thầu. Đầu năm 2008, ông Trần Tùy (là cha anh Trần Khiết) có nhận thầu sản xuất, canh tác khu vực này.

Năm 2011, hết thời gian thỏa thuận thầu, gia đình anh Khiết vẫn tiếp tục canh tác mía. Nay ủy ban xã đòi lại cho người khác thầu. Điều gia đình anh Khiết không đồng tình là, vì tin vào bản chứng nhận đất do UBND xã xác nhận năm 2015, gia đình anh đã tập trung đầu tư quá lớn vào diện tích đất này và yêu cầu được đền bù thỏa đáng nếu xã muốn cho người khác thầu đất.

Chưa thỏa thuận xong đã định phá hoa màu

Trong biên bản đối thoại ngày 3/3/2017, ông Nguyễn Ngâu, người chứng kiến gia đình anh Khiết nhiều năm canh tác trên diện tích đất trên cũng kiến nghị: Cần phải hỗ trợ, đền bù mía, keo cho gia đình anh Khiết một cách hợp lý.

Ông Đinh Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Ninh Hưng cũng cho biết xã sẽ mời người trúng thầu đến để thỏa thuận hỗ trợ, bồi thường cho gia đình anh Khiết. Tuy nhiên, khi các thỏa thuận chưa thống nhất thì ông Trần Minh Quý (người trúng thầu) liên tục cho phương tiện xuống gây sức ép phá hoa màu nhà anh Khiết khiến cho gia đình hết sức hoang mang.

Anh Khiết cho rằng, nếu xã không ký chứng nhận khẳng định đất gia đình đã sử dụng ổn định mấy chục vụ rồi thì không đầu tư lớn như thế, giờ người trúng thầu nói sẽ đền cho gần 20 triệu với cánh đồng hoa màu mênh mông thế này thì quá rẻ mạt.

Nhiều người dân địa phương còn phản ánh, một số heo đưa vào nuôi thử nghiệm ban đầu của người trúng thầu đã chết và có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường.

Lý giải về việc ký giấy chứng nhận kê khai đăng ký quyền sử dụng đất cho gia đình anh Khiết đồng thời khẳng định diện tích trên sử dụng ổn định, không có tranh chấp đã 50 vụ, ông Võ Quang Bình, Phó Chủ tịch xã Ninh Hưng cho biết: “Do cán bộ nó tham mưu thì (tôi) ký chứ thực tế không phải vậy. Cán bộ tham mưu ký cái này là để cho họ có cớ vay tiền, vay tiền mà sản xuất chứ đất này gốc gác vẫn Nhà nước.

Nhà anh Khiết yêu cầu hỗ trợ đền bù hoa màu. Đúng là Nhà nước phải hỗ trợ theo quy định khi lấy đất này cho đấu thầu. Giữa doanh nghiệp với nhà anh Khiết cũng phải thỏa thuận với nhau. Chúng tôi sẽ nghiên cứu”.

Theo trình bày của gia đình anh Khiết, việc xã là cơ quan công quyền mà ký các giấy tờ nhập nhằng tạo hiểu nhầm, bức xúc. Giờ không tổ chức thỏa thuận đền bù, hỗ trợ thỏa đáng thì sẽ đẩy dân vào đường cùng và nhiều chuyện buồn có thể xảy ra.

Tác giả bài viết: Phạm văn - Vũ Hùng
Nguồn tin: www.baomoi.com
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp